1. Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối, thường được gọi là viêm khớp do hao mòn, là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp là bề mặt sụn bị mòn đi. Khi đó xương của các khớp cọ sát với nhau nhiều hơn do khả năng hấp thụ chấn động của mặt sụn bị giảm đi. Sự cọ sát dẫn đến đau, sưng tấy, cứng khớp, giảm khả năng cử động và hình thành các gai xương.
2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối là tuổi tác. Hầu như tất cả mọi người cuối cùng sẽ bị thoái hóa khớp gối ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên có các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối ở độ tuổi sớm hơn như:
- Cân nặng: Trọng lượng làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là khớp gối. Mỗi Kg bạn tăng lên sẽ làm tăng thêm đến khoảng 3 đến 4 Kg khối lượng lên khớp gối.
- Di truyền: bao gồm các đột biến gen có thể khiến một số người dễ bị thoái hóa khớp gối hơn. Hoặc những bất thường di truyền về hình dạng của xương quanh khớp gối cũng làm tăng khả năng thoái hóa khớp gối.
- Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới.
- Tình trạng “stress” khớp gối lặp đi lặp lại: thường là kết quả của công việc mà bệnh nhân làm hàng ngày. Những công việc bao gồm các hoạt động có thể gây ảnh hưởng khớp gối như: quỳ, ngồi xổm, nâng khối lượng nặng hơn 25kg. Do tăng áp lực lên khớp gối liên tục nên có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối hơn.
- Vận động viên: các vận động viên bóng đá, tennis, chạy đường dài có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn. Tuy nhiên, tập thể dục vừa phải giúp củng cố xương khớp có thể giảm nguy cơ thoái hóa khớp.
- Những bệnh lý khác: những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có khả năng tiến triển thoái hóa khớp gối cao hơn. Những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa sắt hoặc thừa hormone tăng trưởng cũng có nguy cơ thoái hóa khớp cao hơn.
3. Triệu chứng của thoái hóa khớp gối là gì?
- Các triệu chứng của thoái hóa khớp gối gồm:
- Đau khớp gối tăng lên khi hoạt động
- Sưng khớp gối
- Cảm giác nóng trong khớp gối
- Cứng khớp gối
- Giảm khả năng vận động của khớp gối như khi lên cầu thang hoặc đi bộ.
- Tiếng lạo xạo khi cử động khớp gối.
- Biến dạng khớp gối
4. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối như thế nào?
Bác sĩ sẽ thăm khám khớp gối của bệnh nhân, dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, tiền căn bản thân, tiền căn gia đình đồng thời với các kết quả cận lâm sàng như X-quang, MRI để xác định chẩn đoán và mức độ của thoái hóa khớp gối.
5. Điều trị thoái hóa khớp gối như thế nào?
Mục tiêu chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và phục hồi khả năng vận động. Quá trình điều trị thường bao gồm sự kết hợp của những yếu tố dưới đây:
- Giảm cân.
- Tập vận động: ở mức độ phù hợp làm tăng sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp gối giúp khớp gối ổn định và giảm đau.
- Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm.
- Tiêm corticosteroid hoặc acid hyaluronic: giúp giảm tình trạng cọ sát giữa các xương, giảm viêm.
- Bổ sung thêm chất như glucosamine, chondroitin…
- Sử dụng các đai hỗ trợ để giảm tải áp lực lên đầu gối.
- Tập vật lý trị liệu.
- Phẫu thuật: là lựa chọn khi những phương pháp khác không hiệu quả.
6. Phương pháp phẫu thuật nào được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối?
Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Nội soi khớp gối: để loại bỏ những phần sụn khớp hư hỏng hoặc các mảnh sụn bể rơi vào dịch khớp, làm sạch bề mặt xương, khoan kích thích bề mặt xương khớp. Sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương khác. Nội soi khớp giúp giảm đau, và giúp phục hồi bề mặt khớp bị hư hỏng ở một mức độ nhất định.
- Thay khớp gối: Khi tình trạng thoái hóa khớp gối nặng nề, các phương pháp khác kể cả phẫu thuật nội soi không giải quyết được thì phẫu thuật thay khớp gối là lựa chọn tốt nhất. Khớp gối bị thoái hóa sẽ được thay thế bằng bộ phận nhân tạo. Với tiến bộ ngày nay hầu hết các khớp gối nhân tạo có thể sử dụng được trên 20 năm.
Thay khớp gối giúp phục hồi vận động và loại bỏ đau đớn cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả của phẫu thuật thay khớp gối hiện nay trên thế giới và cả Việt Nam đã được ghi nhận rất tốt. Tại bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, mỗi năm có trên 200 bệnh nhân được thay khớp gối, đều cho kết quả tốt và rất tốt.
BS CKII Đỗ Quang Sang - Trưởng Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức