THOÁT VỊ BẸN

Bởi supadmin -30-05-2022
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong ổ bụng rời khỏi vị trí của mình, thông qua một khu vực yếu kém của ống bẹn để xuống bìu. Đây là loại thoát vị thường gặp trong thoát vị thành bụng....

1. Thoát vị bẹn là gì?

   Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong ổ bụng rời khỏi vị trí của mình, thông qua một khu vực yếu kém của ống bẹn để xuống bìu. Đây là loại thoát vị thường gặp trong thoát vị thành bụng. Chia làm 2 loại: thoát vị trực tiếp ( qua thành bụng) và thoát vị gián tiếp ( qua ống phúc tinh mạc).

   Bệnh gặp ở cả hai giới nam và nữ với tỉ lệ nam/ nữ là 10/3.

   Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn, thường gặp ở bên phải (60%) hơn so với bên trái (25%), hoặc có khi bị cả hai bên (15%).

2. Nguyên nhân

   Thoát vị bẹn gián tiếp: Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường, khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại nhưng do một nguyên nhân nào đó mà ống không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào và gây một số biến chứng. Đặt biệt nguy hiểm khi tạng bị kẹt là ruột non, đại tràng, buồng trứng, mạc treo ruột…

    Thoát vị bẹn trực tiếp: Nguyên nhân chưa được khẳng định chính xác nhưng có những yếu tố liên quan trực tiếp là sự yếu đi của cân cơ thành bụng kèm theo những yếu tố làm gia tăng áp lực ổ bụng.

3. Yếu tố nguy cơ của bệnh thoát vị bẹn:

   - Nam giới.

   - Tuổi: tỷ lệ thoát vị gia tăng theo tuổi tác, càng lớn tuổi thoát vị bẹn càng nhiều, đặt biệt từ sau 75 tuổi thoát vị tăng lên hơn hai lần so với trước 65 tuổi do cơ thành bụng yếu.

   - Tiền sử gia đình có người bị thoát vị bẹn.

   - Sự trao đổi chất collagen bất thường.

   - Phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt tận gốc.

   - Táo bón kinh niên

   - Ho dai dẳng kéo dài trong viêm phế quản mạn

   - Cổ trướng, các khối u lớn trong ổ bụng, u đại tràng

   - Thai kì

 4. Triệu chứng của bệnh

   - Khối phồng vùng bẹn là triệu chứng thường gặp nhất, khối phồng tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện và thường mất khi nằm.

   - Đau tức ở vùng bẹn bìu, hoặc cảm giác căng, nóng rát khó chịu.

   - Bìu sưng to, đau.

   - Triệu chứng hiếm gặp hơn như chướng bụng, bí trung đại tiện…

Hình 1: Khối phồng thoát vị

5. Chẩn đoán bệnh thoát vị bằng cách nào?

   Chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng nhìn và sờ thấy khối phồng vùng bẹn đùi khi phình bụng. Cần thiết có thể khẳng định bằng siêu âm phần mềm bẹn bìu hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) để chẩn đoán..

Hình 2: Thăm khám – siêu âm chẩn đoán

6. Các phương pháp điều trị bệnh thoát vị hiện nay là gì?

   Một số phương pháp phẫu thuật hiện nay: Phẫu thuật phục hồi thành bụng với  mảnh ghép hay sử dụng các mô tại chỗ với các phương pháp sau:

   - Phẫu thuật phương pháp Lichtenstein

   - Phẫu thuật phương pháp nội soi TEP, TAPP

   - Phẫu thuật sử dụng mô tại chỗ:  phương pháp Shouldice, Bassini, Macvay…

Hình 3: Một số hình ảnh phẫu thuật khối thoát vị bẹn và phục hồi thành bụng

   Hiện nay tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, khoa Ngoại tổng hợp chúng tôi đã triển khai nhiều phương pháp điều trị thoát vị bẹn khác nhau, đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tỉ đau, chảy máu sau mổ, giúp  người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường.

   *** Mọi thắc mắc xin liên hệ:

   Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

   Địa chỉ: 64 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức 

   Số điện thoại: 02839682601

Bs Trần Hồng Quân - Khoa Ngoại Tổng Hợp

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức