THOÁT VỊ THÀNH BỤNG SAU MỔ- VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP SAU PHẪU THUẬT Ổ BỤNG

Bởi supadmin -08-05-2023
Có những thoát vị nhỏ, có thể hồi phục, khối tạng có thể tự trở về lại vị trí cũ mà không cần phải can thiệp điều trị, loại này thường không nguy hiểm. Tuy nhiên nhiều trường hợp thoát vị thành bụng không hồi phục, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ...

1. Thế nào là thoát vị thành bụng sau mổ?

   Thoát vị thành bụng sau mổ là một bệnh lý xảy ra do các tạng trong ổ bụng (thường là ruột và mạc nối) chui qua vết mổ cũ là điểm yếu của thành bụng, thường có thể sờ thấy tạng thoát vị ngay dưới da. Tại vết mổ cũ, lớp cơ yếu kết hợp với áp lực trong ổ bụng tăng khiến cho khối tạng bên trong dễ bị thoát ra ngoài.

   Có những thoát vị nhỏ, có thể hồi phục, khối tạng có thể tự trở về lại vị trí cũ mà không cần phải can thiệp điều trị, loại này thường không nguy hiểm. Tuy nhiên nhiều trường hợp thoát vị thành bụng không hồi phục, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nghẹt ruột, nhiễm trùng, hoại tử ruột, đe dọa đến tính mạng. Vì thế mà phát hiện bệnh sớm để đưa ra hướng chữa trị thích hợp là rất cần thiết.

Hình 1: Bệnh nhân thoát vị thành bụng qua vết mổ cũ đường giữa

2. Nguyên nhân gây nên thoát vị thành bụng sau mổ

   Nguyên nhân của tình trạng này thường do kết hợp 2 yếu tố, đó là vết mổ ở thành bụng không hồi phục đúng theo mong muốn và tình trạng tăng áp lực ổ bụng. Các lớp cơ không liền đúng cách làm cho cơ bụng bị yếu, bị hở, tạo thành một lỗ hổng khiến cho ruột dễ thoát ra khỏi thành bụng tại vị trí đó. Từ đó mà gây nên tình trạng thoát vị thành bụng.

   Có rất nhiều yếu tố tác động lên vết mổ khiến cho vết mổ không lành đúng cách. Một số nguyên nhân có thể kể đến là:

  • Nhiễm trùng vết mổ: nhiễm trùng sẽ trì hoãn việc lành vết thương, hở thành bụng làm các lớp thành bụng phục hồi không tốt và sẽ dẫn đến yếu cơ thành bụng
  • Táo bón, ăn quá no trong thời gian đầu sau phẫu thuật. Điều này làm tăng áp lực thành bụng khi đi cầu trong khi vết mổ chưa lành hoàn toàn, dẫn đến vết mổ có thể bị bung ra, lớp cơ liền lại không kín, tạo ra lỗ hở trên thành bụng.
  • Bệnh nhân thể trạng béo phì hoặc tăng cân quá nhanh sau phẫu thuật cũng gây cản trở sự lành bình thường của vết mổ ở thành bụng.
  • Mang thai sớm sau khi phẫu thuật bụng. Thai trong ổ bụng sẽ trở thành nguyên nhân khiến áp lực ổ bụng tăng lên khi vết mổ chưa đủ thời gian để lành hoàn toàn cũng có thể gây ra thoát vị.
  • Hoạt động thể chất mạnh và quá sớm sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân vận động không đúng cách có thể ảnh hưởng đến vết mổ, vết mổ sẽ khó lành và dễ bị sai lệch trong quá trình lành.
  • Một số trường hợp không rõ nguyên nhân khiến vết mổ lành không đúng cách, có thể là do cơ địa của mỗi người, thường xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền như suy thận mãn, đái tháo đường và ăn uống kém…

3. Triệu chứng của bệnh

   Triệu chứng đặc trưng của bệnh là thấy một khối lồi to ngay trên vết mổ cũ hoặc cạnh vết mổ cũ, khối này diễn tiến lớn dần theo thời gian, có thể đè xẹp nếu lỗ thoát vị rộng và thay đổi tư thế. Nếu khối thoát vị đè không xẹp, kèm theo triệu chứng đau bụng, nôn ói, nhiễm trùng da vùng túi thoát vị, rất có thể khối thoát vị bị nghẹt và bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.

hình ảnh trước và sau khi điều trị thoát vị thành bụng

4. Phương pháp điều trị hợp lý

   Nguyên tắc điều trị:

  • Nếu khối thoát vị nhỏ và có thể hồi phục thì chưa cần phải phẫu thuật ngay.
  • Trong trường hợp ngược lại thì cần tiến hành phẫu thuật để điều trị. Các tình huống cần phẫu thuật là: khối thoát vị quá lớn, kích thước tăng nhanh, thoát vị làm mất thẩm mỹ hoặc thấy có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử, đau đớn tại vị trí thoát vị thành bụng.

   Hiện nay tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, chúng tôi đã và đang triển khai 2 phương pháp can thiệp chính cho thoát vị thành bụng đó là phẫu thuật hởphẫu thuật nội soi, lựa chọn phương pháp nào cần thăm khám kĩ lưỡng, tùy vào tạng thoát vị, tính chất, vị trí khối thoát vị và bệnh lý liên quan của bệnh nhân.

BS CKI Trần Hồng Quân - Khoa Ngoại Tổng Hợp 

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức