THỜI GIAN VÀNG TRONG ĐIỀU TRỊ ĐỘT QUỴ NÃO

Bởi supadmin -19-09-2022
Theo thống kê trên thế giới, đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 nhưng là nguyên nhân tàn phế và giảm chất lượng cuộc sống hàng đầu. Mỗi năm có khoảng 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 80% số ca đột quỵ xảy ra ở các nước kém phát triển...

   Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng đáng kể trong những năm gần đây. Bệnh lý này đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh và chính xác, cũng như những quyết định đúng đắn và kịp thời của Bác sĩ thì mới cứu sống được người bệnh, giúp hồi phục sức khỏe và giảm nguy cơ tàn phế. Điều quan trọng là cần cấp cứu đột quỵ rất sớm sau khi có dấu hiệu đầu tiên. Đó được gọi là thời gian "vàng". Nếu không, người bệnh có thể diễn biến nhanh, trầm trọng hơn như hôn mê, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên kiến thức về thời gian "vàng" trong đột quỵ nhìn chung chưa được biết đến rộng rãi.

   Thông qua bài viết này, Đơn vị đột quỵ - Khoa Nội Thần Kinh - Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức sẽ cung cấp cho bạn đọc một cách tổng quan về thời gian “vàng” trong điều trị đột quỵ não.

1. Định nghĩa

Theo tổ chức Y tế thế giới (OMS) đột quỵ não được định nghĩa như sau: Đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng thần kinh khu trú tồn tại trên 24 giờ.

2. Các triệu chứng thường gặp khi bị đột quỵ não:

  • (F: Face): Biểu hiện trên mặt: Mặt tê liệt, miệng méo xuống một bên, nhân trung hơi lệch so với bình thường, nếp mũi và má bị trễ xuống. Bệnh nhân đột quỵ sẽ không thể mỉm cười nên có thể kiểm tra bằng cách nói bệnh nhân thử cười.
  • (A: Arm): Yếu/ liệt hoặc tê bì chân tay: thông thường yếu/ liệt đột ngột ở nửa người, có thể xảy ra ở 1 chi. Ngoài ra còn đột ngột mất thăng bằng hay khó khăn trong việc kiểm soát sự di chuyển của cơ thể.
  • (S: Speech): Đột ngột nói khó hay gặp vấn đề trong diễn đạt và thấu hiểu ngôn ngữ.
  • Một số triệu chứng đột quỵ khác có thể bao gồm: 

         + Thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn ở một bên mắt hoặc cả hai mắt

         + Bị lú lẫn đột ngột, ví dụ đang nói chuyện đột nhiên thấy khó khăn khi nói hoặc hiểu ngôn ngữ

3. Cấp cứu trong thời gian "vàng" đột quỵ

Nhìn chung, đột quỵ não gồm có 2 thể:

   - Đột quỵ nhồi mãu não (chiếm khoảng 80%): Nguyên nhân do cục huyết khối gây tắc hoặc hẹp đáng kể mạch máu não. Khi mạch máu bị tắc, phần mô não do mạch máu này chi phối sẽ thiếu oxy và chết trong 3 - 5 phút. Hậu quả là phần cơ thể do vùng não này chi phối sẽ không thể hoạt động chức năng được.

   - Đột quỵ xuất huyết não (Chiếm khoảng 20% còn lại): Nguyên nhân do mạch máu não bị vỡ gây chảy máu trong nhu mô não.

Thời gian "vàng" đột quỵ là thời gian tốt nhất để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, được quy ước như sau:

Trong vòng 4,5 giờ dùng thuốc tan máu đông:

   - Người bệnh đến trong khoảng thời gian này nếu thỏa các điều kiện sức khỏe sẽ được tiêm thuốc tan máu đông đường tĩnh mạch.

   - Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị tắc động mạch lớn nội sọ thì có thể tiêm thuốc tan máu đông. Sau đó thì phải chuyển ngay đến phòng thiệp lấy huyết khối để tăng xác suất tái thông tắc mạch lớn thành công.

Trong vòng 6 giờ đối với can thiệp lấy huyết khối:

   - Người bệnh đến sau 4,5 giờ sẽ không còn chỉ định dùng thuốc tan máu đông, cho dù là tắc mạch nhỏ.

   - Nếu tắc động mạch lớn và trong khoảng thời gian này sẽ được can thiệp nội mạch lấy cục máu đông.

   - Can thiệp tái thông càng sớm và nhanh sẽ càng tốt cho người bệnh. Càng sau mốc 6 giờ thì tổn thương não càng nặng, hiệu quả kém, tai biến sau can thiệp càng cao.

Trong xuất huyết não hoặc nghi ngờ xuất huyết não: Tuyệt đối không dùng thuốc tan huyết khối hoặc những thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu. Phương pháp điều trị và kết quả sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết. Nhìn chung nguyên tắc cấp cứu đột quỵ vẫn là càng sớm càng tốt, bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật, can thiệp cầm máu...

   Tóm lại, can thiệp sau thời gian vàng đột quỵ 6 giờ ở các bệnh nhân bị nhồi máu não chỉ là "cầu may" - tìm thêm cơ hội cho bệnh nhân đến trễ nếu bác sĩ thấy vùng tế bào não thiếu máu nuôi chưa chết hẳn, còn hy vọng hồi phục.

BS CKII Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Khoa Nội Thần Kinh

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức