1. Tổng quan
Thủng màng nhĩ là khi màng nhĩ xuất hiện một lỗ thông thương giữa ống tai ngoài và hệ thống tai giữa. Màng nhĩ là một lớp mô liên kết có 3 lớp, gồm lớp da ở mặt ngoài, liên tục với da ống tai, lớp niêm mạc ở mặt trong, liên tục với niêm mạc tai giữa, và lớp mô sợi ở giữa. Màng nhĩ có chức năng dẫn truyền âm thanh, khuếch đại âm thanh, bảo vệ tai giữa. Khi màng nhĩ bị thủng, chức năng đó không còn toàn vẹn và người bệnh sẽ giảm thính lực một mức độ nhất định.
Thủng màng nhĩ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên thường gặp nhất là ở độ tuổi nhi đồng-đi kèm với viêm tai giữa. Lứa tuổi thanh thiếu niên, trung niên thì chấn thương gây thủng nhĩ là nguyên nhân thường gặp, nam giới nhiều hơn nữ giới.
Triệu chứng của thủng màng nhĩ là giống nhau, bất kể nguyên nhân: thường là một cơn đau đột ngột, sau đó giảm đau, rồi chảy tai, đôi khi có thể đi kèm chóng mặt và ù tai
Nhìn chung, thủng màng nhĩ thường có tiên lượng tốt và ít khi có biến chứng. Lỗ thủng màng nhĩ do chấn thương thường tự lành mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, thủng màng nhĩ cũng cần được khám và đánh giá, tùy thuộc vào kích thuốc lỗ thủng, vị trí lỗ thủng, và triệu chứng đi kèm, để quyết định điều trị
2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ, có thể là biến chứng của nhiễm trùng (viêm tai giữa, viêm tai ngoài, nấm tai ngoài), chấn thương áp suất (do tiếng nổ, bơi lặn, trò chơi mạo hiểm trên không), chấn thương đầu do tai nạn hoặc đả thương, dị vật tai, hoặc người bệnh tự gây ra khi lấy ráy tai. Ngoài ra còn có nguyên nhân hiếm gặp là thủng màng nhĩ do sét đánh
Trong trường hợp viêm tai giữa cấp, nguy cơ thủng nhĩ tự phát tăng lên sau mỗi đợt hồi viêm.
Nguyên nhân phổ biến nhất của thủng màng nhĩ là chấn thương và viêm tai giữa cấp
3. Điều trị
Cơ bản là điều trị hỗ trợ, vì màng nhĩ có khả năng tự lành rất tốt, miễn là giữ tai khô sạch, do môi trường ẩm ướt có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát. Nếu nguyên nhân thủng nhĩ là chấn thương, kháng sinh thường không cần thiết. Với các nguyên nhân nhiễm trùng (viêm tai ngoài, tai giữa, nấm) thì điều trị nguyên nhân, sau đó cũng là giữ tai khô sạch, và màng nhĩ sẽ tự lành. Tuy nhiên, với các lỗ thủng rộng, hoặc vị trí thủng ở góc phần tư sau trên, hoặc các lỗ thủng chậm lành, hoặc có nghe kém đi kèm, bệnh nhân cần được can thiệp y tế.
4. Tiên lượng
90% màng nhĩ thủng tự lành sau 6 tuần. Nguyên nhân làm cho màng nhĩ chậm lành là kích thước lỗ thủng lớn và nhiễm trùng thứ phát
5. Biến chứng có thể xảy ra
Thủng màng nhĩ có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính, bệnh tiến triển có thể gây ăn mòn chuỗi xương con và các cấu trúc của tai trong. Nghe kém là biến chứng thường gặp nhất, chiếm khoảng 52% số ca có biến chứng của thủng nhĩ, trong đó, đa số là nghe kém từ nhẹ đến trung bình
Ngoài ra, từ viêm tai giữa có thể tiến triển tới liệt mặt do tổn thương dây thần kinh VII, hoặc tiến triển xa hơn dẫn tới viêm não, màng não, apxe não, viêm xương chũm, hình thành cholesteatoma, từ đó phá hủy các cấu trúc lân cận
6. Người bệnh nhớ kỹ
Người dân không nên dùng tăm bông để lấy ráy tai. Một nghiên cứu trên 949 bệnh nhân thủng nhĩ cho thấy có 261 trường hợp nguyên nhân thủng nhĩ là do ngoáy tai bằng tăm bông.
Khi không may bị thủng nhĩ, điều quan trọng nhất là giữ tai khô sạch.
Với các lỗ thủng rộng, chậm lành, thủng ở góc phần tư sau trên của màng nhĩ, có triệu chứng nghe kém,chảy mủ tai, ù tai, chóng mặt, bệnh nhân cần khám ở bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng
Màng nhĩ bình thường
Nguồn: Sydney South Sydney Ear Nose & Throat Clinic
Thủng nhĩ lỗ nhỏ, đơn thuần, sau chấn thương. Nguồn: EmDOCs.net
Thủng nhĩ có viêm tai ngoài-màng nhĩ đi kèm. Đây là một trường hợp thủng nhĩ do bệnh nhân chơi lướt ván bị ngã xuống nước, màng nhĩ thủng do áp suất nước và không khí nén đột ngột vào ống tai
Nguồn: Sydney South Sydney Ear Nose & Throat Clinic
Màng nhĩ thủng trung tâm, kích thước lớn, không tự lành. Nguồn: Sydney South Sydney Ear Nose & Throat Clinic
Lỗ thủng lớn không nhiễm trùng, có nghe kém dẫn truyền
Nguồn: Sydney South Sydney Ear Nose & Throat Clinic
Thủng nhĩ đơn thuần, 2 vị trí thủng, nguyên nhân do chấn thương
Nguồn: Jeroen B. van Rijswijk, M.D., Ph.D., and Patrick Dubach, M.D-The New England Journal of Medicine
Một khối cholesteatoma lớn ở góc trên của màng nhĩ trái. Màng nhĩ thủng rộng, có đoạn khung nhĩ bị khuyết.
Nguồn:Michael Hawke MD
Tài liệu tham khảo
1. Lim DJ. Structure and function of the tympanic membrane: a review. Acta Otorhinolaryngol Belg. 1995;49(2):101-15.
BS.CKI Âu Vương Huân - Khoa Tai Mũi Họng
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức