1. Bệnh loãng xương là gì?
Trước kia người ta đã cho rằng loãng xương giống như miếng bánh pho mát của Thụy Sỹ. Định nghĩa loãng xương được lấy ra từ từ ghép osteoprosis, trong đó osteo mang nghĩa là “xương” theo tiếng Hy Lạp cổ, còn prosis mang nghĩa là “những cái hốc”...
Bệnh loãng xương thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên trở ra, nhưng bệnh loãng xương cũng có thể gặp ở nam giới và trẻ em. Ở trẻ em do xương mới được tạo mới nhanh hơn xương bị huỷ nên xương trẻ em hầu như lúc nào cũng trong giai đoạn phát triển. Ở người trưởng thành xương phát triển một cách cân bằng giữa quá trình tạo xương mới và quá trình huỷ xương và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi có sự chênh lệch giữa hai quá trình này, quá trình huỷ xương nhanh hơn quá trình tạo xương thì sẽ gây ra bệnh loãng xương.
Hình 1: sự so sánh phóng đại của xương người bình thường và xương bị loãng
2. Tại sao cần hiểu biết đúng về bệnh loãng xương?
Lý do đầu tiên là vì loãng xương là một bệnh rất thường gặp trong các bệnh về xương. Ngay cả khi chúng ta không thấy đau thì sự hiểu biết về bệnh loãng xương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh cá nhân, gia đình, giúp giảm tốn kém về tiền của và khắc phục ảnh hưởng của nó đến thẩm mỹ cá nhân.
Theo một thống kê đơn giản mới đây của thư ký Hiệp Hội Phẫu Thuật ở Mỹ trong 2002 đã chỉ ra rằng một nửa dân số ở Mỹ trên 50 tuổi đều có nguy cơ gãy xương do mắc bệnh loãng xương. Tại Mỹ người ta thực hiện một phép tính đơn giản và đã cho kết quả rằng hàng năm nước này phải chi trả khoảng 18 tỷ đô la cho việc chăm sóc những bệnh nhân mà có những di chứng từ bệnh loãng xương.
Mặt khác, bệnh loãng xương không chỉ gây ra những tổn thất về tiền bạc và kinh tế mà còn gây tổn thất nhiều về mặt sức khoẻ, khiến bệnh nhân yếu mòn dần, mất khả năng làm việc và làm giảm khả năng hoà nhập với cộng đồng. Đặc biệt là những bệnh nhân loãng xương có kèm theo gãy xương thì những hậu quả của bệnh loãng xương lại càng rõ rệt. Theo một số nghiên cứu thì có trên 20% những bệnh nhân bị gãy xương hông sẽ chết trong vòng 1 năm sau đó. Với những bệnh nhân được cứu sống thì 50% trong số đó không thể sống một cuộc sống như bình thường. Đối với những bệnh nhân đã bị gãy xương do loãng xương nói chung có lẽ họ không thể làm được gì ngay cả một công việc đơn giản là tự mặc quần áo cho chính mình, họ thường xuyên gây ra những rắc rối hay giận dữ và không thể hoà nhập với cộng đồng. Khoảng 20% số bệnh nhận sau khi bị gãy xương hông phải cần đến sự chăm sóc của những điều dưỡng tại gia, hoặc được chăm sóc giúp đỡ trong cuộc sống vì họ không thể sống tự sống một cách độc lập. Hình 2 đã chỉ cho chúng ta biết về sự tác động lớn đến mức nào của xương thiếu khoẻ mạnh và lý giải tại sao chúng ta phải có kiến thức về bệnh loãng xương.
Hình 2 - Nguồn: https://m.xuongkhop2.dakhoahoancau.vn/dau-hieu-cua-loang-xuong-de-nhan-biet-nhat-1858.html
3. Loãng xương diễn ra như thế nào?
Loãng xương hay xương bị mất xảy ra khi quá trình huỷ xương và quá trình tạo xương mất đi sự cân bằng vốn có của nó. Những tế bào huỷ xương (osteoclast) bắt đầu bằng việc tạo ra những cái hốc trên xương, còn những tế bào tạo xương (osteoblasts) thì lại tạo xương mới để lấp đầy những cái hốc trong xương đó. Trong hai quá trình này thì quá trình huỷ xương luôn thực hiện nhanh hơn và khi đó xương trở nên dễ gãy và nhìn giống như bị gãy. Ở hình 3, qua kính hiển vi cho chúng ta thấy những điểm yếu của xương và những đường viền quanh những hốc của xương.
Khi xương phải cung cấp canxi để tạo một nồng độ canxi ổn định trong máu, qua một thời gian thì xương sẽ yếu bởi mất dần canxi. Chính việc mất canxi này cũng có nguy cơ bị bệnh giảm mật độ xương và bệnh loãng xương.
Việc uống thuốc tăng cường canxi và vitamin D đơn thuần sẽ không ngăn ngừa được nguy cơ loãng xương, bởi xương phát triển qua một loạt quá trình phức tạp, cần nhiều khâu và nhiều điều kiện. Trong đó, các bài tập thể dục cũng đóng vai trò quan trọng làm cho các tế bào tạo xương hoạt động giúp canxi nhập vào xương tốt hơn. Nếu bạn tập thể thao ít thì sẽ thiếu tế bào tạo xương, hoạt động giúp nhập canxi vào xương và gây ra bệnh loãng xương. Bạn cần phải tăng khả năng chịu đựng sức nặng và tập bài tập đối kháng để tăng sức khoẻ cho xương (xem câu hỏi 43, 44). Mặt khác khi bộ khung xương của chúng ta không phát triển một cách bình thường trong thời kỳ thiếu nhi và thời kỳ thiếu niên do một nguyên nhân nào đó thì khả năng xuất hiện bệnh loãng xương hay giảm mật độ xương cũng có thể xảy ra, còn mức độ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào bộ khung xương thế nào. Thậm chí ngay khi mật độ khoáng chất trong xương của bạn không giảm đến mức mắc các bệnh loãng xương hay giảm mật độ xương nhưng nó sẽ làm cho xương của bạn không thể đạt được mật độ xương đỉnh ở thời kỳ trẻ tuổi và dần gây ra bệnh loãng xương. Đó là lý do mà việc xây dựng một bộ khung xương khoẻ mạnh ngay độ tuổi thiếu niên đóng một vai trò quan trọng, nếu một thanh niên không đạt được đỉnh của khối lượng xương thì bệnh loãng xương sẽ nhanh chóng tiến triển mặc dù sau đó bạn có dùng thuốc điều trị ngăn ngừa cả đời đi chăng nữa.
Hình 3: Mô xương bị loãng nhìn trên kính hiển vi
4. Những yếu tố nguy cơ của loãng xương
Trừ trường hợp bạn bị gãy xương, loãng xương là bệnh âm thầm không gây đau. Vì vậy bạn cần phải biết về những yếu tố khiến bạn dễ bị mắc bệnh. Chỉ có một số ít nguy cơ có tính chất khác biệt giữa nam và nữ giới, còn lại hầu hết các nguy cơ giống nhau ở hai giới.
- Tuổi: Khối xương của bạn giảm đi theo tuổi, do vậy nguy cơ bị loãng xương cũng tăng lên. Mặc dù loãng xương có thể ảnh hưởng đến cả hai giới ở bất cứ tuổi nào nhưng tác động của nó rõ ràng nhất ở thời kỳ sau mãn kinh (nữ giới) và tuổi già (nam giới). Hiệp hội loãng xương quốc gia Mỹ cho biết có 75% tất cả các trường hợp loãng xương đã được chẩn đoán là những phụ nữ da trắng trên 50 tuổi. Ở tuổi này nam giới cũng dễ bị loãng xương nhưng thường xuất hiện ở nam giới cao tuổi hơn.
- Giới: 80% bệnh nhân loãng xương là nữ giới. Mặc dù chiếm 20% số ca nhưng nam giới thường bị loãng xương nguyên phát ở tuổi cao hơn nhiều so với nữ giới. Ngược lại, nam giới lại tiến triển bệnh loãng xương thứ phát sớm hơn nhiều so với nữ giới. Nhìn chung phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn do họ bắt đầu bị giảm mật độ xương nhanh hơn
- Chủng tộc: Nếu bạn là phụ nữ da trắng, đặc biệt là phụ nữ Bắc Âu, hoặc châu Á, bạn có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn các chủng tộc khác. Thực tế có 65% phụ nữ Mỹ gốc Á có mật độ xương thấp. Có khoảng 10% phụ nữ Mỹ gốc phi bị loãng xương. Trên 300.000 phụ nữ Mỹ gốc phi bị loãng xương và 90% trường hợp gãy xương ở người cao tuổi thuộc nhóm này là do loãng xương. Sau mỗi 7 năm nguy cơ gãy xương ở nhóm này tăng lên gấp đôi và cao hơn so với phụ nữ da trắng. Tương tự như vậy, nam giới da trắng cao tuổi có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với các chủng tộc khác.
- Tiền sử gãy xương: Nếu bạn đã từng bị gãy xương trong độ tuổi từ 40 trở lên, bạn có nguy cơ bị giảm khối xương và loãng xương cao hơn so với những người khác, đặc biệt nếu gãy xương của bạn do lực va chạm nhẹ.
- Tiền sử gia đình: Nếu những người có quan hệ trực hệ với bạn (cha, mẹ, anh chị em, con cái) bị loãng xương hoặc giảm mật độ xương thì bạn cũng có nguy cơ giảm mật độ xương.
- Thể trạng kém: Suy nhược và mất trí nhớ đều có lien quan đến mật độ xương thấp.
- Hút thuốc: Nicotine có trong thuốc lá gây ra những vấn đề của quá trình tạo xương do làm giảm vai trò của estrogen và testosterone lên sự phát triển của xương.
- Uống rượu nhiều: nghiện rượu làm cản trở hấp thu canxi cũng như hoạt động của tế bào tạo xương lên quá trình hình thành xương. Một điểm thú vị là uống hai cốc bia một ngày có liên quan đến sự tăng mật độ xương. Tuy nhiên nếu uống hơn mức đó thì làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Uống nhiều caffeine: Tác động của caffeine lên nguy cơ loãng xương cho đến nay còn chưa biết rõ. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ gãy cổ xương đùi tăng lên nếu uống 2 cốc cà phê (hoặc 4 cốc trà) trong một ngày. Trong các nghiên cứu khác, sử dụng cà phê và trà không liên quan đến giảm mật độ xương hay gãy xương. Thực tế một trong ba nghiên cứu này cho thấy uống trà có liên quan đến tăng mật độ xương. Các kết quả nghiên cứu trái ngược nhau cho thấy nếu uống lượng caffeine vừa đủ (1-2 cốc/ngày) thì không ảnh hưởng đến xương của bạn nếu bạn sử dụng lượng canxi và vitamin D phù hợp. Các chất dưới đây có chứa nhiều caffeine:
- Cà phê pha sẵn (8 ounces): khoảng 135mg
- Trà pha cà phê (8 ounces): khoảng 50-70 mg
- Coca-Cola (12 ounces): khoảng 34.5 mg
- Coca không béo (12 ounces): 46.5 mg
Bạn cũng nên chú ý rằng nếu bạn uống quá nhiều cà phê, trà và soda thì bạn cũng uống ít đi các thức uống giàu canxi khác như sữa và nước cam.
- Uống nhiều soda: Mặc dù phosphor cần thiết cho sự phát triển bình thường của xương nhưng nếu dư thừa thì lại gây ra tình trạng giảm mật độ xương. Hơn 3000 đến 4000 mg phosphor trong một ngày làm tăng nguy cơ của bạn. Người ta đã từng nghĩ rằng các loại soda đều chứa lượn dư acid phosphoric; tuy nhiên đồ uống cola có caffeine chỉ chứa 50mg phosphor. Điều quan trọng hơn là nếu bạn uống soda thì sẽ dùng ít hơn các đồ uống giàu canxi.
- Tiền sử kinh nguyệt: Nguy cơ loãng xương tăng lên nếu có tình trạng dậy thì muộn (ở cả nam và nữ giới) và mất kinh ở nữ giới (không thấy kinh nguyệt trong 3 tháng trở lên), hoặc liên quan đến rối loạn ăn uống, tập thể dục quá mức hoặc các nguyên nhân khác. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú thường bị giảm mật độ xương nhất thời và hồi phục lại sau thời gian này. Thú vị là phụ nữ có thai 10 lần có nguy cơ bị loãng xương tương tự như phụ nữ chưa bao giờ có thai.
- Mãn kinh: là yếu tố nguy cơ có ý nghĩa nhất đối với loãng xương. Sự sụt giảm estrogen ở thời kỳ này là lý do thường gặp nhất gây ra loãng xương ở nữ giới. Tình trạng này khiến cho xương của bạn bị mất đi nhanh chóng. Chỉ 5% phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương do nguyên nhân khác.
- Cân nặng cơ thể và chỉ số khối cơ thể (BMI): Những phụ nữ mảnh khảnh, xương nhỏ có nguy cơ cao hơn so với những phụ nữ thừa cân và khung xương lớn. BMI là một chỉ số đánh giá cả cân nặng và chiều cao: dưới 18 được coi là thiếu cân, từ 18-25: bình thường, thừa cân khi >25, béo phì khi > 30. Nếu bạn có BMI < 22 thì nguy cơ loãng xương của bạn tăng lên, mặc dù chỉ số này trong khoảng 18 – 25 được coi là bình thường. BMI trong khoảng 26-28 tương đối tốt cho xương, trong khi BMI > 28 làm tăng nguy cơ do có liên quan đến tình trạng ít vận động. Nếu bạn cao trên 163 cm và nặng từ 57.6 kg trở xuống, hoặc nếu BMI của bạn dưới 22 thì bạn có nguy cơ cao bị loãng xương. BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (cm). Nếu bạn ngại tính toán phức tạp, bạn có thể lên trang web www.obesity.org để tham khảo.
- Chế độ dinh dưỡng kém: các vitamin và khoáng chất cần thiết cho xương như canxi, vitamin D, acid citric, và phosphor nếu không được đưa vào cơ thể một lượng phù hợp sẽ làm cho xương yếu và giảm khối xương. Nếu bạn có chế độ ăn thiếu các chất trên thì nguy cơ loãng xương của bạn tăng lên. Một chế độ ăn thừa muối (ăn mặn) hoặc quá nhiều protein, chất xơ cũng gây ảnh hưởng đến xương do muối làm tăng đào thải canxi, trong khi nếu ăn quá nhiều chất xơ hoặc protein sẽ làm ức chế quá trình hấp thu canxi. Ăn chay nghiêm ngặt (không có thức ăn có nguồn gốc động vật) cũng liên quan đến loãng xương vì hai lý do. Những người ăn chay nghiêm ngặt không sử dụng các sản phẩm từ sữa, một nguồn cung cấp canxi và vitamin D quan trọng, và thông thường họ cũng có BMI thấp (khoảng 20), từ đó làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Sử dụng một số thuốc có thể làm mất chất xương hoặc làm giảm tạo xương. Đó là các thuốc: chống co giật, các hormone tuyến giáp, corticosteroids, lithi, methotrexate, GnRH, cholesteramine, heparin, warfarin, và các chất kháng acid có chứa nhôm.
- Một số tình trạng bệnh có thể làm tăng nguy cơ loãng xương do làm cản trở sự phát triển của xương hoặc buộc phải sử dụng một số thuốc gây tăng nguy cơ loãng xương.
- Lối sống ít vận động cũng là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương, cho dù bạn không có các yếu tố nguy cơ khác. Các xương cần có lực tác động từ các bài tập để cân bằng hai quá trình tạo xương và hủy xương.
- Yếu tố gen: Các biến dị gen hay mất một gen quy định receptor của protein đặc hiệu cho sự phát triển của xương có thể khiến bạn có nguy cơ bị loãng xương, thậm chí là loãng xương nặng. Một vài gen khác kiểm soát các enzyme tham gia vào quá trình phát triển xương cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị loãng xương. Một số ít các nghiên cứu đã làm rõ các yếu tố nguy cơ đặc hiệu cho loãng xương và các gãy xương do loãng xương trên nam giới. Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ đã nghiên cứu trên 5700 nam giới từ 65 tuổi trở lên để làm sáng tỏ các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ảnh hưởng đến giới này.
5. Làm thế nào để biết được mình bị loãng xương? Loãng xương có các dấu hiệu, triệu chứng gì?
Loãng xương và giảm mật độ xương đều không gây đau nên bạn không thể biết được cho đến khi bạn bị gãy xương hoặc đo mật độ xương. Thông thường nếu bạn nghi ngờ mình bị gãy xương hãy đến gặp bác sỹ ngay lập tức. Nhưng trong một số trường hợp dưới đây bạn sẽ không chắc chắn vì vậy bạn vẫn nên gọi cho bác sỹ của mình:
- Đau và thâm tím sau ngã với lực tác động nhẹ có thể gợi ý bạn bị gãy xương. Đừng tự nhủ là “đó chỉ là ngã nhẹ, tôi không thể bị gãy xương được”. Mặc dù tình huống này không phổ biến nhưng bạn phải nói cho bác sỹ của mình về những chấn thương như vậy
- Đau lưng đột ngột xuất hiện ở vùng cột sống có thể nghĩ đến gãy xương đốt sống do loãng xương. Tình trạng này khác biệt so với đau cột sống do đau cơ. Thậm chí dù bạn chỉ với người để lấy một thứ gì đó hoặc bị trượt ngã trong phòng tắm, bạn vẫn có thể bị gãy xương cột sống nếu bạn bị loãng xương.
Một biểu hiện lâm sàng gợi ý bạn bị loãng xương là giảm chiều cao. Do vậy nếu bạn bị giảm chiều cao khi theo dõi hàng năm thì bạn nên thảo luận với bác sỹ của mình về việc sàng lọc loãng xương, đặc biệt nếu bác sỹ của bạn không lưu ý đến vấn đề này hoặc không khuyến cáo phải sàng lọc bệnh.
6. Khi nào cần đo mật độ loãng xương?
Hiệp hội loãng xương quốc gia Mỹ khuyến cáo kiểm tra mật độ xương trên những đối tượng sau:
- Nữ giới từ 65 tuổi trở lên nên kiểm tra mật độ xương dù không có nguy cơ gì khác
- Nếu bạn dưới 65 tuổi và đã mãn kinh, có hơn 1 yếu tố nguy cơ khác (ngoại trừ các yếu tố nguy cơ như là bạn thuộc chủng tộc da trắng, sau mãn kinh, nữ giới). Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:
- Tiền sử gãy xương (đặc biệt trong độ tuổi 40-45) do sang chấn tối thiểu
- Tiền sử gia đình bị loãng xương
- Các yếu tố gen
- Lối sống ít vận động
- Thiếu dinh dưỡng
- Nghiện rượu
- Nghiện hút thuốc
- Thấp cân hoặc BMI dưới 22
- Sử dụng một số thuốc (đặc biệt là các steroids)
- Nồng độ testosterone thấp (nam giới)
- Vô kinh do tập luyện nhiều, rối loạn ăn uống hoặc mất cân bằng hormone
- Mất cân bằng hormone do mãn kinh
- Biếng ăn tâm thần
- Nếu bạn đã mãn kinh và bị gãy xương gần đây.
7. Loãng xương được chẩn đoán như thế nào?
X-quang thường quy không được dùng để chẩn đoán loãng xương nhưng loãng xương đôi khi cũng có thể được phát hiện bằng x-quang. Tuy nhiên, chỉ khi bạn bị mất xương rõ rệt ở mức khoảng 30 - 40% thì mới có thể phát hiện được bằng x-quang.
Có những xét nghiệm đặc hiệu được sử dụng để đánh giá sức khỏe xương của bạn. Tất cả các xét nghiệm đo mật độ xương (BMD) đều an toàn, không gây đau và không xâm lấn. Khi làm các xét nghiệm này, cơ thể bạn chỉ hấp thu lượng phóng xạ ngang với khi đi trên một chuyến bay.
Bạn không nên làm các xét nghiệm đo mật độ xương khi đang mang thai hoặc sử dụng thuốc cản quang trong vòng 2 tuần gần đây. Các xét nghiệm được giới hạn tiến hành cho những người nặng không quá 113,5 kg. Lý do cơ bản vì nhiều máy đo chỉ chịu được sức nặng dưới 113,5 kg, càng có nhiều mô mềm thì càng khó phân biệt giữa mô mềm với xương khiến cho khó đạt được kết quả chính xác.
Kết quả đo mật độ xương bằng phương pháp hấp phụ tia X năng lượng kép (DXA) là “tiêu chuẩn vàng” (xét nghiệm tốt nhất) để chẩn đoán loãng xương hoặc thưa xương. Khi xương hông, cột sống hay toàn bộ cơ thể được kiểm tra bằng DXA, bạn sẽ nằm trên bàn chuyên dụng để máy lấy các số đo mật độ xương của bạn. Các số đo và hình ảnh được gửi tới một máy tính gần đó, thường là trong cùng một phòng. Hình 7 cho thấy một phụ nữ đang được đo mật độ xương bằng DXA.
Máy DXA cho kết quả có độ chính xác rất cao và sử dụng rất ít phóng xạ. Đây cũng là phương pháp tốt nhất để giám sát những thay đổi của mật độ xương và đánh giá hiệu quả điều trị. Tốt nhất là xương của bạn được theo dõi trên cùng một chiếc máy do cùng một kỹ thuật viên thực hiện (nếu có thể).
Hình 7: Một phụ nữ đang được đo mật độ xương bằng phương pháp DXA. Xét nghiệm này an toàn, không xâm nhập và không gây đau. © Photodisc.
Nếu bạn đã từng bị gãy xương, viêm xương khớp mạn tính hoặc vôi hóa (lắng đọng canxi) thì kết quả mật độ xương của bạn, đặc biệt ở vị trí cột sống có thể không chính xác.
Trong trường hợp trên, bạn có thể được đo mật độ xương bằng phương pháp DXA ngoại vi tức là được tại cổ tay, cẳng tay, ngón tay hoặc gót chân.
***Tài liệu tham khảo:
“100 câu hỏi về loãng xương” - Ivy M. Alexander, Karla A. Knight, dịch bởi Đại học Y Hà Nội
BS Ngô Thị Thùy Dương - Khoa Nội Tiết
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức