Migraine là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người. Tần suất xuất hiện của migraine trên toàn thế giới khoảng 6-10% ở nam giới và 14% ở nữ giới. Tuy nhiên, con số này có sự biến đổi tùy theo khu vực: cao hơn ở Châu Âu (15%) và Bắc Mỹ (13%), trong khi thấp hơn ở Châu Á (9%) và Châu Phi (5%) [1].
Chứng đau nửa đầu biểu hiện qua các cơn đau từ mức độ vừa phải đến nghiêm trọng, thường là cảm giác nhức nhối ở một bên đầu và cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi thực hiện các hoạt động vận động. Những triệu chứng đi kèm thường gặp bao gồm mất cảm giác ngon miệng (gần như luôn xảy ra), cảm giác buồn nôn (80% trường hợp), ói mửa (40–50%), nhạy cảm với ánh sáng (60%), tiếng ồn (50%) và đôi khi là mùi (10%). Các biểu hiện của hệ thống giao cảm như chảy nước mắt được ghi nhận ở 82% bệnh nhân. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể biến đổi đáng kể trong từng lần xuất hiện. Theo Hiệp hội Đau đầu Quốc tế (Internationnal Headache Society - IHS) thời gian kéo dài của mỗi cơn đau nửa đầu là từ 4 đến 72 giờ. Đối với trẻ em, cơn đau thường ngắn hơn và có thể không kèm theo đau đầu, chỉ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và chóng mặt nghiêm trọng. Đau đầu thường không giới hạn ở một bên mà có thể xảy ra ở cả hai bên [2].
1. Điều trị đau nửa đầu
Các cơn đau nhẹ - các cơn đau nhẹ không đi kèm nôn mửa hoặc buồn nôn nghiêm trọng, thuốc giảm đau nhẹ (NSAIDs, acetaminophen) hoặc thuốc giảm đau kết hợp thường là lựa chọn đầu tay, vì tính hiệu quả và ít tốn kém hơn so với các thuốc đặc trị.
Nếu không đáp ứng với thuốc giảm đau, cân nhắc kết hợp với Triphan. Việc kết hợp NSAID với Triphan có hiệu quả hơn so với việc chỉ sử dụng đơn độc. Có thể kết hợp với thuốc chống nôn đường uống hoặc trực tràng nếu cơn đau đầu kèm buồn nôn, nôn mửa nghiêm trọng [3].
Các cơn đau nửa đầu trung bình đến nặng - các cơn đau đầu trung bình đến nặng không kèm nôn mửa hoặc buồn nôn nghiêm trọng, nên ưu tiên các thuốc điều trị đau đầu đường uống, bao gồm triphan và thuốc dạng phối hợp sumatriphan-naproxen. Đối với người bệnh chống chỉ định với triphan hoặc không dung nạp, có thể lựa chọn thuốc đối kháng thụ thể peptide liên quan đến gen calcitonin (CGRP) hoặc lasmiditan. Khi có biến chứng nôn mửa hoặc buồn nôn nghiêm trọng, có thể cân nhắc điều trị bằng các thuốc chống nôn và thuốc điều trị đau đầu không phải đường tiêm như sumatriptan tiêm dưới da, sumatriptan xịt mũi, zolmitriptan, dihydroergotamine tiêm [3].
Cơn đau nữa đầu cấp cứu khi bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu cấp tính đến khoa cấp cứu, nhất là khi có các triệu chứng nôn mửa hoặc buồn nôn nặng, khuyến cáo sử dụng sumatriptan 6mg tiêm dưới da và/hoặc các loại thuốc chống nôn đường tiêm (như prochlorperazine 10 mg IV/IM, metoclopramide 10mg IV, chlorpromazine 0,1 mg/kg (hoặc 12,5 mg) liều duy nhất truyền tĩnh mạch chậm (tốc độ tối đa 1 mg/phút); liều tích luỹ tối đa 25 mg). Ketorolac 30 mg IV hoặc 60 mg IM (liều thấp hơn có thể được áp dụng cho bệnh nhân ≥ 65 tuổi, trơngj lượng cơ thể >50kg và những người bị suy thận)
Dihydroergotamine 1 mg IV kết hợp với metoclopramide 10 mg IV cũng là một lựa chọn thay thế hợp lý để điều trị chứng đau nửa đầu nặng khó chữa ở khoa cấp cứu và có thể được sử dụng nếu đơn trị liệu bằng metoclopramide không hiệu quả. Dihydroergotamine tiêm không nên được sử dụng như đơn trị liệu. chống chỉ định ở bệnh nhân tăng huyết áp hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ và trong thời gian thai kỳ. Không nên sử dụng kết hợp với các thuốc co mạch ngoại vi và trung ương hoặc với các chất ức chế mạnh CYP3A4 (bao gồm thuốc ức chế protease, thuốc chống nấm azole và một số kháng sinh macrolide) và ở những bệnh nhân bị liệt nửa người hoặc đau đầu migraine thân não [3].
Đối với các tình trạng đau nửa đầu nặng hoặc kéo dài được điều trị tại khoa cấp cứu, cân nhắc bổ sung dexamethason tiêm tĩnh mạch liều duy nhất 4 mg để giảm nguy cơ tái phát cơn đau đầu sớm. Tuy nhiên, tránh lạm dụng thường xuyên dexamethasone bổ trợ để điều trị đau đầu dẫn tới làm tăng nguy cơ ngộ độc glucocorticoid [3].
Hình 1. Thuốc điều trị cơn đau đầu migraine [2]
2. Dự phòng cơn đau nửa đầu migraine
Chỉ định điều trị bằng thuốc để phòng ngừa cơn đau nửa đầu dựa trên tần suất các cơn đau đầu migraine, chất lượng cuộc sống suy giảm và nguy cơ lạm dụng thuốc. Các tiêu chí bao gồm [2]:
- Ba cơn đau nửa đầu trở lên mỗi tháng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống
- Các cơn đau nửa đầu thường kéo dài hơn 72 giờ
- Các cơn đau không đáp ứng với điều trị cấp tính theo khuyến cáo (bao gồm cả triphan)
- Bệnh nhân không chịu được tác dụng phụ của liệu pháp điều trị cấp
- Tầng suất các cơn đau và sử dụng thuốc giảm đau/ đau nửa đầu ≥ 10 ngày mỗi tháng
- Các cơn đau đầu phức tạp có tình trạng yếu cơ (ví dụ liệt nửa người) và/hoặc có tình trạng kéo dài
- Sau nhồi máu não, đau nửa đầu khi đã loại trừ các nguyên nhân gây đột quỵ khác .
Tác dụng phụ sắp xếp theo: F: thường xuyên; S: đôi khi; R: hiếm; Chống chỉ định được sắp xếp theo: A: tuyệt đối, R: tương đối
Một số can thiệp không dùng thuốc được áp dụng dự phòng đau nửa đầu như châm cứu, điều hòa thần kinh, giảm mẫn cảm [4]
Tài liệu tham khảo
1. Iba, C., et al., Migraine triggers in Asian countries: a narrative review. Front Neurol, 2023. 14: p. 1169795.
2. Diener, H.-C., et al., Treatment of migraine attacks and prevention of migraine: Guidelines by the German Migraine and Headache Society and the German Society of Neurology. Clinical and Translational Neuroscience, 2019. 3(1): p. 3.
3. Todd J Schwedt, M., MSCIIvan Garza, MD. Acute treatment of migraine in adults. 25/03/2024; Available from: https://www.uptodate.com/contents/acute-treatment-of-migraine-in adults?search=migraine&source=search_result&selectedTitle=1%7E150&usage_type=default&display_rank=1#H1.
4. Todd J Schwedt, M., MSCIIvan Garza, MD. Preventive treatment of episodic migraine in adults. 25/09/2023; Available from: https://www.uptodate.com/contents/preventive-treatment-of-episodic-migraine-in-adults?topicRef=3347&source=see_link#H23.
DS. Nguyễn Duy Khang - Khoa Dược
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức