TỔNG HỢP THÔNG TIN CẢNH GIÁC DƯỢC CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CÁC THUỐC AN THẦN NHÓM BENZODIAZEPINE

Bởi supadmin -25-03-2024

      Benzodiazepine (BZD) là một nhóm thuốc an thần có thể gây nghiện được sử dụng phổ biến trong chỉ định điều trị rối loạn mất ngủ, rối loạn lo âu toàn thể (GAD), Động kinh, giảm thiểu các triệu chứng cai rượu, rối loạn hoảng sợ. Nhóm thuốc BZD tác động lên các thụ thể benzodiazepin trong hệ thần kinh trung ương bằng cách tăng cường tác dụng của các chất dẫn truyền thần kinh an thần GABA làm chậm hoạt động trong não và giảm triệu chứng lo âu, an thần. [1]

      Danh sách các hoạt chất thuộc nhóm BZD được FDA phê duyệt lưu hành sử dụng [1]

      Nhóm thuốc Benzodiazepin cần lưu ý sử dụng trong thời gian ngắn và cần hạn chế sử dụng lâu dài do có thể gây ra tình trạng lạm dụng.

      Nguy cơ lạm dụng, phụ thuộc thuốc và hội chứng cai trên bệnh nhân sử dụng Benzodiazepine [2]

      Từ tháng 8/1969 đến tháng 3/2022, Trung tâm Giám sát các phản ứng có hại (CARM) tại New Zealand đã nhận được 23 trường hợp báo cáo về các thuốc benzodiazepin, bao gồm phản ứng cai và phụ thuộc thuốc. Clonazepam (với 9 trường hợp) là thuốc benzodiazepin được báo cáo thường xuyên nhất, tiếp theo là lorazepam (5), diazepam (3) và triazolam (3).

      Nhóm thuốc Benzodiazepine có nguy cơ bị dùng sai, lạm dụng và phụ thuộc thuốc ngay cả khi sử dụng ở liều khuyến cáo. Đặc biệt là khi phối hợp với thuốc giảm đau opioid, rượu hoặc các chất gây nghiện có thể dẫn đến quá liều hoặc tử vong. Trong đó, việc thường xuyên đánh giá nhu cầu cần thiết điều trị liên tục cho bệnh nhân có tiền sử lạm dụng thuốc hoặc rượu có ý nghĩa quan trọng vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ dễ bị nghiện thuốc, có thể tự ý tăng liều.

      Sau khi được điều trị liên tục hoặc dùng thuốc ở liều cao, cần phải giảm liều Benzodiazepine từ từ, để giảm nguy cơ xuất hiện phản ứng cai thuốc trên bệnh nhân. Nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của phản ứng cai thuốc tùy vào thời gian điều trị, liều lượng và mức độ phụ thuộc thuốc. Ngừng sử dụng một cách đột ngột các thuốc benzodiazepin đang được sử dụng liên tục và/hoặc ở liều cao có liên quan đến những phản ứng cai thuốc nghiêm trọng, như co giật, mê sảng hoặc rối loạn tâm thần.

      Vai trò của bác sĩ kê đơn là cần tư vấn cho bệnh nhân về những nguy cơ này trước khi bắt đầu điều trị bằng benzodiazepine, cần thông báo cho bệnh nhân về những nguy cơ khi bắt đầu ngừng thuốc và phải tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột. Xem xét thiết lập một lịch trình ngừng thuốc cụ thể cho từng bệnh nhân và đảm bảo luôn có nhân viên y tế theo dõi, hỗ trợ.

      Nguy cơ tử vong tăng cao sau khi ngừng thuốc ở những bệnh nhân được điều trị lâu dài ổn định bởi các thuốc an thần thuộc nhóm Benzodiazepine (BZD) [3]

      Một nghiên cứu so sánh hiệu quả với mục đích xác định mối liên quan của việc ngừng sử dụng nhóm thuốc Benzodiazepine với tỷ lệ tử vong và các tác dụng phụ khác trên 353.576 bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc lâu dài tại Hoa Kỳ được công bố trên JAMA Network Opens vào ngày 20 tháng 12 năm 2023.

      Nghiên cứu tiến hành theo dõi nhóm bệnh nhân sau khi ngừng sử dụng nhóm thuốc BZD 31 ngày liên tiếp và đánh giá tỷ lệ xảy ra tử vong sau một năm ngưng dùng thuốc, đánh giá các tác động có hại khác như các trường hợp tự ý sử dụng thuốc quá liều không gây tử vong, các trường hợp tự tử, tự ý gây thương tích, hoặc cần có các can thiệp y tế khác. Kết quả đánh giá nguy cơ tử vong đối với những bệnh nhân ngừng dùng nhóm thuốc BZD cao hơn 1,6 lần so với những người tiếp tục điều trị, có hoặc không sử dụng đồng thời nhóm thuốc opioid (95% Cl 1,5-1,7 và 59% Cl 1,6-1,7). Đặc biệt ở nhóm bệnh nhân sử dụng đồng thời Opioid có tỷ lệ tử vong cao hơn trong vòng 1 năm nếu ngừng dùng nhóm thuốc BZD so với những người tiếp tục điều trị (6,3% so với 3,9%). 

      Ý nghĩa từ kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân được điều trị lâu dài với nhóm thuốc BZD có nhiều rủi ro hơn khi phải ngừng sử dụng thuốc đột ngột vì vậy vì vậy cần có kế hoạch giảm dần tần suất dùng cho tới khi ngưng thuốc ở những bệnh nhân này, đồng thời theo dõi những tác hại có thể xảy ra khi ngưng sử dụng thuốc.

      Kết quả nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế về phương pháp thực hiện và chưa đánh giá các yếu tố tác động khác. Để hạn chế sự mâu thuẫn với những chính sách nỗ lực giảm thiểu kê đơn nhóm thuốc benzodiazepine điều trị dài hạn, cần thực hiện các nghiên cứu đánh giá thêm tác động của thuốc.

      Điểm tin: Nguy cơ gãy xương với chất chủ vận thụ thể benzodiazepine (Tháng 1 năm 2024) [4]

      Thuốc chủ vận thụ thể benzodiazepine (BZRA), bao gồm nhóm thuốc benzodiazepin và BZRA không chứa benzodiazepine như zolpidem, có thể gây buồn ngủ quá mức và mất thăng bằng dẫn đến té ngã và gãy xương. Trong một phân tích tổng hợp gần đây của 20 nghiên cứu quan sát ở hơn sáu triệu cá nhân, nhóm BZRA có liên quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương ở nhiều nhóm thuốc với tỷ lệ chênh lệch từ 1,2 đến 1,4. Hầu hết các nghiên cứu đều bao gồm đối tượng người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên. Những dữ liệu này củng cố sự cần thiết phải thận trọng khi kê đơn BZRA cho chứng mất ngủ và các chỉ định khác, đặc biệt ở người lớn tuổi.

Tài liệu tham khảo

1. Bounds CG, Patel P, Nelson VL. Benzodiazepines. [Updated 2024 Jan 30]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan. Link:https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470159/

2. Trung tâm DI-ADR Quốc gia, Điểm tin Cảnh giác Dược, Medsafe: Nhắc lại nguy cơ lạm dụng, phụ thuộc thuốc và hội chứng cai trên bệnh nhân sử dụng benzodiazepin.

Link:http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2187/Medsafe-nhac-lai-nguy-co-lam-dung-phu-thuoc-thuoc-va-hoi-chung-cai-tren-benh-nhan-su-dung-benzodiazepin.htm

3. Maust DT, Petzold K, Strominger J, Kim HM, Bohnert ASB. Benzodiazepine Discontinuation and Mortality Among Patients Receiving Long-Term Benzodiazepine Therapy. JAMA Netw Open. 2023;6(12):e2348557. doi:10.1001/jamanetworkopen.2023.485

4. Xu C, Leung JCN, Shi J, et al. Sedative-hypnotics and osteoporotic fractures: A systematic review of observational studies with over six million individuals. Sleep Med Rev 2024; 73:101866.

DS. Trần Thiện Quyền - Khoa Dược

Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức