Những tháng cuối năm, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh lý truyền nhiễm phát triển, trong đó bệnh cúm mùa đang được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng chú ý hiện nay.
Bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác, do có biểu hiện bệnh giống nhau như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, hắt hơi,...
Từ đầu năm đến nay, khoa Nhiễm (Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức) đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa. Trong đó, đa phần bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền và nhập viện khi tình trạng đã nặng. Nhiều người cho rằng, cúm mùa chỉ là một bệnh nhẹ, nhưng thực tế cho thấy cúm mùa diễn tiến khó lường, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu tổng quan về bệnh cúm mùa qua bài viết dưới đây, để chủ động phòng chống, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Bệnh cúm mùa
Bệnh cúm (hay cúm mùa) là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp cấp tính, bệnh dễ gây thành dịch lớn, biểu hiện lâm sàng thường là sốt, ho, đau đầu, đau cơ,.. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, cúm mùa có thể gây ra từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, cúm mùa cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong, đặc biệt trong các đợt dịch lớn.
Biểu hiện của bệnh cúm mùa (cúm A và cúm B) thường xuất hiện đột ngột, chỉ sau 1 đến 2 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Bệnh thường thuyên giảm sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, ở một số cơ địa đặc biệt, bệnh có thể đưa đến nhiều biến chứng nặng và đe doạ tính mạng người bệnh.
Các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C là tác nhân chính gây bệnh cúm mùa, trong đó H1N1 và H3N2 là hai kiểu phổ biến nhất.
Vi rút cúm hình khối cầu hay bầu dục, đường kính trung bình 80 - 120 nm, gồm ba tuýp A,B,C
Vi rút cúm lây qua các chất tiết đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể lây qua các đường lây khác như: tiếp xúc gần gũi “ tay chạm tay” hoặc gián tiếp qua các vật dụng trung gian như dùng chung khăn lau, đồ đạc có dính chất tiết đường hô hấp.
Triệu chứng của bệnh qua các thời kỳ
Bệnh cúm có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ những thể không có triệu chứng rõ rệt hoặc chỉ sốt nhẹ cho đến những bệnh cảnh nặng có thể dẫn đến tử vong, có thể gặp trong trong các vụ dịch. Bệnh cúm thường trải qua các thời kỳ sau:
- Thời kỳ ủ bệnh: Thông thường từ 24 - 48 giờ, có thể kéo dài đến 3 ngày
- Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện toàn thân cấp tính như sốt cao đột ngột (39 đến 40 độ C), có thể kèm theo rét run một hay nhiều lần hoặc chỉ có thể là cảm giác ớn lạnh, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi và cảm giác như kiệt sức.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện một số biểu hiện hô hấp như: ho với cơn ngắn không có đờm, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, cảm giác khô, đau rát họng, lưỡi đắng và biếng ăn. - Thời kỳ lui bệnh: Sốt thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày rồi giảm đột ngột, phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 1 tuần mặc dù một số biểu hiện hô hấp có thể kéo dài nhiều tuần sau đợt cúm.
Bệnh thường diễn tiến nhẹ nhưng trên một số cơ địa đặc biệt bệnh có thể diễn tiến cúm nặng cần lưu ý như: trẻ em, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người lớn mắc các bệnh mạn tính, mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch,...
Tuỳ thuộc vào mức độ bệnh mà người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định các phác đồ điều trị khác nhau.
Với những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc yếu tố nguy cơ sẽ được chỉ định sử dụng, những thuốc kháng virus này có tác dụng rõ rệt khi được sử dụng trong vòng 24 giờ đầu tiên của bệnh. Một số loại thuốc kháng virus cúm như:
- Nhóm ức chế M2: Amantadine và rimantadine hiệu quả đối với cúm A
- Nhóm ức chế neuraminidase: Zanamivir, Oseltamivir, Peramivir có hiệu quả cho cả hai loại cúm A và B
Các thuốc kháng virus ưu tiên sử dụng trong 24 giờ đầu tiên, giúp cải thiện biểu hiện của đợt cúm rõ rệt.
Với những trường hợp cúm nhẹ, bệnh sẽ được điều trị chủ yếu là giảm bớt các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau đầu, giảm đau cơ,... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, nên ăn thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm các loại vitamin (vitamin A, B, C, D, E) giúp tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể và uống nhiều nước. Sau khi bệnh thuyên giảm, bệnh nhân sẽ sinh hoạt bình thường trở lại một cách từ từ và người bệnh cần tiêm vacxin phòng cúm hàng năm nhằm chủ động phòng ngừa cúm hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả
Hiện nay, thời tiết đang giao mùa do đó thuận lợi cho sự phát triển của bệnh. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao ý thức phòng bệnh cúm mùa. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống bệnh cúm mùa do Bộ Y tế khuyến cáo, bạn nên áp dụng để bảo vệ sức khoẻ:
- Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm nhằm chủ động phòng ngừa cúm hiệu quả.
- Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tham khảo:
- Quyết định Số 2078 của Bộ Y tế về HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÚM MÙA.
- Bài giảng Bệnh cúm, giáo trình Truyền nhiễm trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
- Phác đồ điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
BS. Huỳnh Minh Nhựt - Khoa Nhiễm
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức