TỔNG QUAN VỀ VIÊM ĐA DÂY THẦN KINH

Bởi supadmin -15-05-2023
Viêm đa dây thần kinh là hệ quả của những tổn thương trên dây thần kinh ngoại biên. Dù có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này, triệu chứng lại khá tương đồng với những cảm giác khó chịu ở chân hoặc tay như tê, đau, châm chích và cả mất khả năng vận động...

1. Bệnh viêm đa dây thần kinh là gì?

   Hệ thống thần kinh ngoại biên gửi thông tin từ não và tủy sống (hệ thần kinh trung ương) đến các phần còn lại trong cơ thể. Bên cạnh đó, các dây thần kinh ngoại biên cũng gửi thông tin cảm giác trở về hệ thống thần kinh trung ương để nhận cảm và phân tích.

   Bệnh thần kinh ngoại biên là hậu quả của những tổn thương dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống (dây thần kinh ngoại biên). Nguyên nhân có thể là do chấn thương, nhiễm trùng, chuyển hóa, di truyền và tiếp xúc với chất độc. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tiểu đường.

   Bệnh lý này thường gây ra triệu chứng yếu, tê và đau, thường là ở tay và chân của bạn. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác trên cơ thể.

   Những người bị bệnh thần kinh ngoại biên thường đi khám vì những cơn đau mô tả như châm chích, thiêu đốt hoặc ngứa ran. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng có thể tự cải thiện và đôi khi tái phát, lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi trở thành vĩnh viễn.

2. Triệu chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh như thế nào?

   Bệnh viêm đa dây thần kinh có thể biểu hiện thành nhiều nhóm triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng.

2.1. Triệu chứng tổn thương thần kinh cảm giác hoặc vận động

   Bệnh viêm đa dây thần kinh gây tổn thương thần kinh cảm giác hoặc vận động sẽ gây ra các triệu chứng chủ yếu ở chân hoặc tay, ở đầu chi biểu hiện rõ hơn gốc chi với các đặc điểm như sau:

  • Ngứa ran
  • Đau chói
  • Cảm giác như đóng băng
  • Châm chích như kim châm
  • Khó điều khiển tay chân, tay
  • Rối loạn giấc ngủ do đau đớn vào ban đêm
  • Mất cảm giác thấy đau
  • Tăng nhạy cảm đau
  • Không có khả năng cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ
  • Thiếu sự phối hợp động tác
  • Thay đổi đặc điểm trên da, tóc hoặc móng tay
  • Loét bàn chân, ngón chân
  • Nhiễm trùng da và móng tay
  • Yếu cơ
  • Co giật cơ bắp

2.2. Triệu chứng tổn thương thần kinh tự chủ

   Triệu chứng tổn thương thần kinh tự chủ trong bệnh lý viêm đa dây thần kinh ngoại biên không ảnh hưởng riêng biệt tại một vùng cơ thể xác định nào mà ảnh hưởng toàn thân với những biểu hiện như sau:

  • Không dung nạp nhiệt độ
  • Tăng tiết mồ hôi bất thường
  • Rối loạn chức năng bàng quang hoặc tiểu không tự chủ
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa
  • Chóng mặt
  • Thay đổi huyết áp tư thế
  • Mạch nhanh hay chậm
  • Khó ăn hoặc nuốt
  • Khó thở

3. Các nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm đa dây thần kinh?

   Có nhiều tình trạng sức khỏe hay bệnh lý có liên quan đến bệnh viêm đa dây thần kinh, bao gồm:

  • Bệnh amyloidosis
  • Bệnh celiac
  • Bệnh Charcot-Marie-Tooth
  • Bệnh đái tháo đường
  • Bạch hầu
  • Hội chứng Guillain Barre
  • Bệnh viêm gan siêu vi B
  • Bệnh viêm gan siêu vi C
  • Nhiễm HIV/AIDS
  • Bệnh thận mạn
  • Suy giáp
  • Bệnh phong
  • Bệnh gan mạn
  • Bệnh Lyme
  • Ung thư hạch lympho
  • U tủy xương
  • Thiếu máu ác tính
  • Thiếu máu do thiếu vitamin B
  • Phơi nhiễm chất phóng xạ
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Hội chứng Sjogren

Những người nhiễm HIV/AIDS dễ bị viêm đa dây thần kinh

4. Các biến chứng do bệnh viêm đa dây thần kinh là gì?

   Các biến chứng thường gặp liên quan đến bệnh viêm đa dây thần kinh bao gồm:

  • Té ngã và chấn thương: Khiếm khuyết khả năng giữ cân bằng và phối hợp, cùng với sự yếu cơ, có thể dẫn đến sự gia tăng các biến cố té ngã và chấn thương nặng nề.
  • Bỏng và tổn thương da: Tê và không có khả năng cảm thấy đau hoặc thay đổi nhiệt độ có thể vô tình gây bỏng, vết cắt và tổn thương khác cho da.
  • Nhiễm trùng: Chấn thương, bỏng và vết cắt, đặc biệt là ở chân và bàn chân, nếu không được chú ý, bảo vệ và vệ sinh đúng cách sẽ dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Cách phòng ngừa các triệu chứng viêm đa dây thần kinh như thế nào?

   Cách tốt để ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên là chủ động kiểm soát tốt các tình trạng sức khỏe hay bệnh lý khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như tiểu đường, nghiện rượu hoặc viêm khớp dạng thấp. Song song đó, chính bạn cũng cần xây dựng một lối sống lành mạnh cho mình và người thân với những thói quen hỗ trợ sức khỏe thần kinh như sau:

  • Ăn một chế độ dinh dưỡng với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và protein để giữ cho hệ thần kinh luôn khỏe mạnh. Bảo vệ cơ thể chống thiếu vitamin B12 bằng cách ăn thịt, cá, trứng, thực phẩm từ sữa ít béo và ngũ cốc. Nếu bạn là người ăn chay, việc tăng cường nguồn đạm từ thực vật là nguồn cung cấp vitamin B12 rất cần thiết.
  • Tập thể dục thường xuyên với ít nhất 30 phút đến một giờ, ít nhất ba lần trong một tuần.
  • Tránh các yếu tố có thể gây tổn thương thần kinh, như các chuyển động lặp đi lặp lại tại một bộ phận xương khớp trong thời gian dài, mặc trang phục bó sát, chật chội sẽ gây áp lực lên dây thần kinh. Việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, hút thuốc và uống quá nhiều rượu cũng sẽ gây tổn thương sợi thần kinh ngoại biên.

Tập thể dục thường xuyên giảm nguy cơ viêm đa dây thần kinh

   Tóm lại, triệu chứng viêm đa dây thần kinh nổi bật với các rối loạn cảm giác như tê, đau, châm chích và những rối loạn vận động, làm suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Chúng ta nên chủ động phòng ngừa biến chứng này bằng cách kiểm soát tốt những bệnh lý có sẵn. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần xây dựng những thói quen, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vừa tránh tổn thương trên sợi thần kinh, vừa bảo vệ sức khỏe nói chung.

Nguồn tham khảo: everydayhealth.com; mayoclinic.org; merckmanuals.com

BS CKII Nguyễn Thanh Tùng - Khoa Nội Thần Kinh

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức