I. Giới thiệu
Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương dẫn đến tổn thương dây chằng giữ vững khớp cùng đòn, từ đó khớp giữa đầu ngoài xương đòn và mỏm cùng vai bị trật. Đây là chấn thương phổ biến, thường gặp ở người trẻ do tai nạn giao thông hoặc chấn thương khi chơi thể thao. Trật khớp cùng đòn chiếm tới 4-12 % chấn thương vùng vai.
Hình 1: Trật khớp cùng đòn
II. Nguyên nhân
Thường gặp tình trạng té va đập vùng vai, có 2 cơ chế chấn thương:
- Chấn thương trực tiếp: Chấn thương xảy ra do người bệnh ngã đập thẳng vùng vai xuống nền cứng.
Hình 2: chấn thương trực tiếp
- Chấn thương gián tiếp: Người bệnh ngã chống tay khiến lực truyền theo cánh tay đến khớp cùng đòn, gây trật khớp cùng đòn.
Hình 3: chấn thương gián tiếp
III. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn sẽ gặp những dấu hiệu như:
- Đau, sưng, bầm hạn chế vận động vùng vai bị tổn thương.
- Vai bị chấn thương biến dạng, đầu ngoài xương đòn nhô lên cao.
- Thăm khám sẽ có dấu phím đàn: ấn xương đòn về vị trí ban đầu, khi bỏ tay ra đầu ngoài xương đòn sẽ nhô lên.
Hình 4: biến dạng vai do trật khớp cùng đòn
IV. Chẩn đoán
Sau khi thăm khám lâm sàng thì chụp X-quang sẽ được chỉ định để chẩn đoán xác định trật khớp cùng đòn. X-quang để chẩn đoán trật khớp cùng đòn có 3 loại thường được sử dụng:
- X-quang khớp vai thẳng: so sánh 2 bên vai để chẩn đoán chính xác
- X-quang tư thế Zanca: Góc chụp chếch về phía đầu 10 độ, giúp quan sát khớp cùng đòn chính xác hơn.
- X-quang chịu lực: Bệnh nhân sẽ được chụp x-quang vai thẳng với tay bên tổn thương đeo tạ từ 4-6 kg và so sánh 2 bên.
Hình 5: Trật khớp cùng đòn trên X-quang
Phân loại: Trật khớp cùng đòn được phân 6 độ theo phân loại Rockwood:
- Độ I: Bệnh nhân bị giãn dây chằng cùng đòn, còn nguyên dây chằng quạ đòn
- Độ II: Người bệnh bị đứt dây chằng cùng đòn và bị giãn dây chằng quạ đòn
- Độ III: Bệnh nhân bị đứt dây chằng cùng đòn, đứt dây chằng quạ đòn và trật hoàn toàn khớp cùng đòn, đầu ngoài xương đòn nhô lên cao và bị di lệch 25 - 100% so với bên đối diện
- Độ IV: Người bệnh bị trật đầu ngoài xương đòn ra phía sau, đi vào hoặc đi xuyên qua cơ thang
- Độ V: Bệnh nhân bị di lệch đầu ngoài xương đòn lên trên rất nhiều
- Độ VI: Phần xương đòn của bệnh nhân bị di lệch xuống dưới mỏm quạ hoặc mỏm cùng vai. Khoảng gian quạ - đòn cũng bị thu hẹp so với bên lành.
Hình 6: phân độ trật khớp cùng đòn theo Rockwood
V. Điều trị:
Tùy theo mức độ tổn thương và nhu cầu của người bệnh, trật khớp cùng đòn có thể chọn phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn: được chỉ định với tổn thương mức độ I, II và tổn thương độ III nhưng nhu cầu vận động ít. Điều trị bảo tồn như sau:
- Đeo đai treo tay
- Nghỉ ngơi, chườm đá
- Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau
Hình 7: đeo đai treo tay điều trị bảo tồn trật khớp cùng đòn
Phẫu thuật: được chỉ định với tổn thương độ III trở lên. Tùy mức độ tổn thương, tổn thương mới hay cũ mà bác sĩ chọn kỹ thuật phù hợp. Những kỹ thuật thực hiện gồm:
- Phẫu thuật cố định khớp cùng đòn
- Phẫu thuật tái tạo dây chằng quạ đòn- quạ cùng.
- Phẫu thuật cố định quạ đòn qua mổ mở hoặc nội soi.
Hình 8: Trật khớp cùng đòn được phẫu thuật cố định khớp cùng đòn bằng nẹp móc (hook plate).
Tại bệnh viện Đa khoa Thủ Đức đã phẫu thuật điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn, thực hiện đầy đủ các kỹ thuật tiến bộ, mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân.
BS.CKII. Đỗ Quang Sang - Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức