TƯ VẤN CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bởi supadmin -18-06-2024

 I. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng lành mạnh với bệnh nhân đái tháo đường

      Đái tháo đường là một bệnh mạn tính ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Khi được chẩn đoán đái tháo đường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp và bắt buộc tuân thủ suốt đời.

      Tuy nhiên, việc thay đổi sẽ không dễ dàng vì đòi hỏi cần nhiều thời gian và nỗ lực để hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh nhưng vẫn phải phù hợp với khẩu vị, sở thích ăn uống và điều kiện sinh hoạt của mỗi cá nhân, giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần, tuân thủ đều đặn và gắn bó điều trị bệnh lâu dài. Việc thay đổi chế độ ăn uống được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu như sau:

  • Đưa mức đường huyết cao trở về bình thường hoặc càng gần mức bình thường càng tốt để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ biến chứng của bệnh
  • Kiểm soát được huyết áp, ổn định được các chỉ số lipid máu để làm giảm nguy cơ mắc biến chứng mạch máu lớn do đái tháo đường (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch máu ngoại biên)
  • Kiểm soát cân nặng, giảm gánh nặng cho cơ thể, giúp cho chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn.

      Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để phòng ngừa và điều trị các biến chứng mắt, biến chứng thần kinh, điều trị béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và bệnh thận.

II. Nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

1. Cân nặng:

Nên duy trì ở mức BMI từ 18,5 - 23 kg/m2, cần giảm ít nhất 5% cân nặng nếu có béo phì, thừa cân.

Nếu muốn giảm cân:

  • Ăn đủ ngày 3 bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 3-4 giờ (nếu có ăn bữa phụ). Sử dụng thực phẩm cung cấp năng lượng chính vào giữa ngày, lúc đang làm việc. Giảm phần thực phẩm giàu năng lượng vào bữa ăn chiều vì nhu cầu năng lượng lúc này giảm.
  • Không bỏ bữa ăn, khi bỏ bữa sẽ bị đói, bữa ăn sau đó thường sẽ ăn nhiều hơn. Không nhất thiết phải ăn bữa phụ, nếu có thói quen ăn vặt nên chuẩn bị sẵn các phần rau luộc để ăn khi đói. Nếu có ăn bữa phụ cần tính toán năng lượng nằm trong tổng năng lượng trong ngày.

2. Phân phối bữa ăn và chọn lựa thực phẩm phù hợp:

      Có sự khác biệt dựa vào tình trạng bệnh lý, công việc, sở thích ăn uống, khả năng luyện tập thể lực, nhưng vẫn phải nhắm vào mục tiêu năng lượng chung và cần đạt được mục tiêu điều trị.

  • Chất bột đường:Nên chú trọng chọn thực phẩm có nhiều chất xơ, ít chế biến như gạo lứt, bánh mì đen, các loại rau củ chứa hàm lượng tinh bột thấp, trái cây có chi số đường huyết thấp, ngũ cốc nguyên hạt, sữa không đường. Giảm lượng tinh bột trong khẩu phần có tác dụng giảm đường huyết.

      Người bệnh đái tháo đường càng nên tránh dùng các loại nước ngọt (kể cả nước trái cây) để ổn định đường huyết, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và gan nhiễm mỡ. Cũng cần tránh các loại thức ăn ngọt như bánh ngọt, chè, trà sữa.

Hình 1: Chỉ số đường huyết (GI) trong thực phẩm là một giá trị được sử dụng để đo mức độ các loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu, được xếp hạng trên thang điểm từ 0-100

  • Đạm: nên lựa chọn các loại đạm có đầy đủ acid amin cần thiết, hạn chế các loại thịt đỏ, nhiều chất béo.
  • Các chất béo: Nên chú trọng dùng các acid béo không bão hòa để cải thiện chuyển hóa glucose và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Nên sử dụng các loại chất béo có trong cá nhiều béo như cá hồi (EPA và DHA), các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu oliu, các loại hạt và hột như hạnh nhân, óc chó, điều, mè. Không nên ăn chất béo chuyển hóa có nhiều trong các thức ăn đã qua chế biến sẵn như bánh ngọt, bánh kem, đồ ăn nhanh, bắp rang bơ, snack, mì ăn liền,...

Hình 2: Thực phẩm giàu chất béo nên dùng cho bệnh nhân đái tháo đường

  • Các vitamin, khoáng chất: nên sử dụng khi cần thiết, thí dụ ăn chay trường (không dùng sữa và trứng) cần bổ sung sắt, sinh tố B12, D. Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thay đổi tùy theo tình trạng của người bệnh, phụ nữ có thai, người già yếu ăn uống kém.
  • Chú ý ăn đủ chất xơ: chất xơ có trong các loại đậu, rau, ngũ cốc nguyên cám tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa và giúp no lâu, nên giúp giảm cân tốt.
  • Muối: bệnh nhân đái tháo đường cần giảm lượng muối trong khẩu phần ăn để phòng ngừa tăng huyết áp, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói vì chứa nhiều muối. Không nên ăn thực phẩm nhiều muối như đồ khô tôm cá muối, dưa muối, mắm,...
  • Không nên lạm dụng chất tạo vị ngọt không tạo năng lượng (aspartame, sorbitol, xylitol,...) trong thời gian dài vì có khả năng làm tăng thèm ăn, không dùng để nêm nếm khi nấu ăn.
  • Rượu: nếu bệnh nhân không có thói quen uống rượu, nên duy trì không uống rượu.  Nếu có uống rượu bia thì nên giới hạn, tối đa 1 đơn vị cồn mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới.

Hình 3: Cách tính đơn vị cồn

  • Người bệnh cần uống đủ nước, ít nhất 2l/ngày đối với nữ giới và 3l/ngày đối với nam giới, vì thiếu nước làm mệt mỏi, khiến người bệnh lầm tưởng với cảm giác đói. Tuy nhiên lượng nước cần uống mỗi ngày còn thay đổi tùy theo cân nặng, thời tiết, hoạt động thể lực, công việc (làm việc nơi nhiệt độ cao), phụ nữ cho con bú, có bệnh lý suy gan, suy thận kèm theo hay không.
  • Luyện tập thể lực, phù hợp với thể chất là yếu tố cần thiết, luôn đi kèm với chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

III. Hướng dẫn ước lượng khẩu phần ăn dành cho bệnh nhân đái tháo đường (cho một bữa ăn chính)

      Việc hướng dẫn xây dựng khẩu phần ăn uống lành mạnh cần một sự tính toán tỉ mỉ dựa trên cân nặng phù hợp theo chiều cao và BMI, nhu cầu năng lượng hàng ngày của bệnh nhân, thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm,... Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng khẩu phần ăn gặp nhiều khó khăn do thời gian hạn hẹp, khả năng tính toán của người bệnh hạn chế đặc biệt là người bệnh lớn tuổi hoặc người bệnh do công việc làm không có thời gian để chuẩn bị bữa ăn nên thường xuyên phải ăn ở quán.

   Sau đây là một số hướng dẫn đơn giản giúp người bệnh có thể ước lượng được khẩu phần ăn của bản thân.

  • Cách 1: Quy tắc hình dĩa

      Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, khẩu phần ăn của người bệnh được trình bày trên 1 dĩa thức ăn đường kính 20 - 23 cm, trong đó:

½ dĩa là đầy các loại rau không tinh bột

¼ dĩa là nhóm tinh bột như cơm, bún, hủ tiếu,...

¼ dĩa còn lại là các loại thịt, cá, tôm, trứng, đậu,...

Hình 4: Thiết kế khẩu phần ăn theo quy tắc hình dĩa

  • Cách 2: Nguyên tắc bàn tay Zimbabwe (dùng bàn tay của chính mình để ước lượng khẩu phần trong một bữa ăn)

IV. Thực đơn mẫu dành cho bệnh nhân đái tháo đường

Hình 6: Thực đơn mẫu dành cho bệnh nhân đái tháo đường tại Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức

Tài liệu tham khảo:

1. Hướng dẫn dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh đái tháo đường Việt Nam (2021). Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chế độ dinh dưỡng mẫu dành cho người đái tháo đường (2020). Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Dinh dưỡng với bệnh đái tháo đường. Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.

4. What can I eat? Plan your portions (2019). American Diabetes Association

BS. Nguyễn Ngọc Ân - Khoa Nội Tiết

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức