Viêm gan vi rút C có tự khỏi không? Điều trị và theo dõi bệnh như thế nào?

Bởi supadmin -05-11-2024
Viêm gan vi rút C (HCV) là bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, sẽ gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: ung thư gan, xơ gan và suy gan. Hiện nay, Viêm gan vi rút C vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa hiệu quả. Vậy viêm gan vi rút C có tự khỏi không? Điều trị và theo dõi như thế nào? Hãy cùng bác sĩ tìm hiểu qua bài viết sau.

Tình hình Viêm gan C hiện nay?

      Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 50 triệu người bị nhiễm virus viêm gan vi rút C mạn tính, với khoảng 1 triệu ca nhiễm mới xảy ra mỗi năm trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là nước có gánh nặng về bệnh gan đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính năm 2017, nước ta có 991.153 người bị nhiễm HCV mạn trong đó có 6.638 người tử vong do bệnh gan liên quan đến HCV.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu

Viêm gan C là gì? Nguyên nhân? Lây truyền? Biểu hiện của bệnh thế nào?

      Viêm gan vi rút C là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan C (Hepatis C Virus - HCV) gây ra. HCV có 6 kiểu gen: 1, 2, 3, 4, 5, 6. Mỗi kiểu gen lại chia thành nhiều dưới nhóm khác nhau. Ở Việt Nam, kiểu gen thường gặp nhất là 1 và 6. Các kiểu gen 2 và 3 ít gặp hơn.  Phần lớn bệnh viêm gan C thường không có biểu hiện hoặc chỉ một vài biểu hiện toàn thân không điển hình như: mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ,... cho đến khi các biểu hiện của bệnh gan mạn tính nặng hay xơ gan xuất hiện như: vàng da, vàng mắt, phù,... thì người bệnh mới nhận biết. 

Viêm gan vi rút C( HCV) có đường lây giống HIV gồm: đường máu, đường tình dục và mẹ sang con

      Viêm gan vi rút C có khả năng lây nhiễm cao, đường lây của viêm gan C gần giống HIV, gồm: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Vì vậy, một số hoạt động có tỷ lệ lây truyền bệnh cao trong cộng đồng cần lưu ý như: dùng chung dụng cụ sử dụng ma tuý, dùng chung dụng cụ xăm hoặc xỏ khuyên, tái sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, đặc biệt là các loại bơm kim tiêm, dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay…

Viêm gan C có tự khỏi không?

      Trên thực hành lâm sàng, Viêm gan vi rút C được phân thành 2 loại phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh gồm: thể cấp tính ( thời gian nhiễm HCV dưới 6 tháng) và mạn tính (thời gian nhiễm HCV trên 6 tháng). Đối với thể cấp tính, có khoảng 20 - 50% bệnh tự khỏi.

Điều trị và theo dõi Viêm gan C

      Theo các báo cáo giám sát đưa ra trong Hội thảo "Sơ kết triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và người đang điều trị methadone" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 14/12/2022 tại Hà Nội, trong số người bệnh hoàn thành điều trị đã thực hiện xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C lần 2 (là xét nghiệm cần thiết để đánh giá kết quả điều trị viêm gan C) thì tỷ lệ khỏi điều trị viêm gan C là 96,6%, điều trị bởi các thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs).

Trước khi tiến hành điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát cho người bệnh, tùy thuộc vào xét nghiệm kiểu gen, các chống chỉ định, tương tác thuốc và bệnh đồng mắc mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng bệnh nhân. Thời gian điều trị liên tục thường từ 3 đến 6 tháng, hoặc kéo dài lâu hơn. Các thuốc uống điều trị Viêm gan C đang được sử dụng hiện nay gồm: sofosbuvir, daclatasvir, sofosbuvir/ledipasvir, sofosbuvir/velpatasvir, grazoprevir/elbasvir.

Hiện nay, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã có thuốc Epclusa (sofosbuvir/ledipasvir), thuốc có thể điều trị tốt tất cả kiểu gen của Viêm gan C và được hưởng bảo hiểm y tế thanh toán.

Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã có thuốc Epclusa điều trị Viêm gan C

       Nhìn chung các thuốc kháng vi rút (DAAs) khá an toàn, khả năng dung nạp tốt, có ít tác dụng phụ và có thể rút ngắn thời gian điều trị viêm gan C mạn tính xuống còn 12 tuần. Những bệnh nhân đang điều trị viêm gan C mạn tính có thể tiếp tục điều trị ngoại trú tại nhà (không cần thiết phải nằm viện).

Dự phòng Viêm gan C

      Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc tầm soát Viêm gan vi rút C trong cộng đồng hiện nay còn nhiều hạn chế, vì vậy nguồn lây bệnh còn cao trong cộng đồng. Viêm gan C có thể xuất hiện ở bất cứ một cơ thể khỏe mạnh nào nếu chúng ta không biết cách phòng tránh và thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học. Một số biện pháp dự phòng Viêm gan C có thể áp dụng như:

  • Không tiếp xúc với máu người bệnh hoặc nghi Viêm gan C, tránh tối đa việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân như: dao cạo, bàn chải đánh răng,…
  • Không sử dụng chung bơm kim tiêm.
  • Dùng bao cao su trong quan hệ tình dục.
  • Tránh xăm mình, xỏ lỗ khi các dụng cụ chưa được tiệt trùng.
  • Tầm soát Viêm gan siêu vi và khám sức khoẻ định kỳ.

      Tóm lại, Viêm gan vi rút C là một bệnh lý nguy hiểm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: xơ gan, ung thư gan,... Đặc biệt, bệnh khó phát hiện bởi các biểu hiện không rõ ràng, dù bệnh vẫn đang tiến triển. Vì vậy, người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe, đến ngay cơ sở uy tín để tầm soát và khám sức khỏe để phát hiện Viêm gan vi rút C kịp thời, nhanh chóng điều trị. Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức đã có đầy đủ thuốc, trang thiết bị giúp tầm soát và theo dõi điều trị Viêm gan vi rút C hiệu quả cho nhân dân.

Tham khảo:

  1. Quyết định 2065/QĐ-BYT , VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN VI RÚT C.
  2. Báo cáo giám sát đưa ra trong Hội thảo "Sơ kết triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và người đang điều trị methadone" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 14/12/2022 tại Hà Nội.

BS. CKI Lê Văn Chương - Khoa Nhiễm 

Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức