Viêm gan B (còn gọi là viêm gan do siêu vi B) hiện là một vấn đề lớn đối với sức khỏe ở nước ta cũng như trên toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới ước tính có trên 2 tỷ người đã từng hay đang bị nhiễm siêu vi B. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO (World Health Organization), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm siêu vi B cao nhất thế giới 15%-20%, tức khoảng 10 -14 triệu người và đáng quan tâm hơn cả là hơn 90% người bệnh không biết về tình trạng của mình.
Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là loại bệnh gan thường gặp nhất trên thế giới. Bệnh này là do siêu vi khuẩn viêm gan B (HBV) tấn công và làm tổn thương gan, được chia thành 2 thể bệnh cấp và mạn tính. Tỷ lệ viêm gan B được ghi nhận cao ở Châu Á, một số vùng ở Châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, và Trung Đông.
Tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B theo Tổ chức y tế thế giới WHO (World Health Organization)
Hầu hết người lớn bị nhiễm bệnh đều có thể loại trừ siêu vi khuẩn viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số người lớn và hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh không thể loại trừ siêu vi khuẩn này và sẽ bị nhiễm bệnh mạn tính (suốt đời).
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan ở Việt Nam hiện nay. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, dù là trẻ sơ sinh, trẻ em, người trưởng thành hay người cao tuổi v.v
Nguyên nhân gây bệnh Viêm gan B
Virus HBV hay còn gọi là virus viêm gan B (Hepatitis B Virus), loại virus này có thể sống được 30 phút ở nhiệt độ 100 độ C; có thể sống 20 năm ở nhiệt độ -20 độ C. Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể của người chưa tiêm vac xin hoặc đã tiêm nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể dao động từ 30 đến 180 ngày.
Viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV (virus gây suy giảm miễn dịch) nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50-100 lần so với virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Điều trị Viêm gan B mạn tính
Tuỳ thuộc vào giai đoạn, mức độ tổn thương gan mà các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị viêm gan B trên từng bệnh nhân. Mục tiêu điều trị viêm gan B cụ thể như sau:
- Ức chế lâu dài sự sao chép của HBV.
- Cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa diễn tiến xơ gan, HCC.
- Dự phòng lây truyền HBV cho cộng đồng bao gồm dự phòng lây truyền mẹ con.
- Dự phòng đợt bùng phát VGVR B.
Các thuốc đang được sử dụng điều trị viêm gan B mạn tính trên lâm sàng hiện nay gồm: Tenofovir disoproxil fumarate ( TDF), Entecavir (ETV), Tenofovir alafenamide (TAF), Lamivudine ( LAM), Peg-interferon alpha 2a... thời gian sử dụng các thuốc kháng virus này thường kéo dài nhiều năm và chỉ định ngưng thuốc phức tạp, một số trường hợp đặc biệt như xơ gan có chỉ định dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ điều trị, chỉ ngưng thuốc khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Các đường lây truyền viêm gan B
Viêm gan B có thể bị lây qua các đường chính sau:
- Mẹ truyền viêm gan B cho con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai
- Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
- Dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy
- Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhíp, dụng cụ cắt móng tay, móng chân (bấm móng tay..) với người bị viêm gan B
- Xăm mày, xăm môi, xăm cơ thể, xỏ lỗ tai….
- Quan hệ bằng miệng khi có vết thương, vết loét, viêm, nhiệt miệng
- Có tiền sử truyền máu và các chế phẩm của máu
- Tiếp xúc với máu của người nhiễm vi rút viêm gan B qua vết thương hở
- Thủ thuật y tế: làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa….
Viêm gan B không lây qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt.
Phòng tránh viêm gan B
Một số biện pháp phòng tránh viêm gan B hiệu quả gồm:
- Tiêm phòng vắc xin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và an toàn. Nếu chưa nhiễm viêm gan B, bạn cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B đủ 3 mũi. Sau khi tiêm nên kiểm tra kháng thể để xem cơ thể đã được bảo vệ chưa.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục, thủy chung một vợ một chồng. Bên cạnh đó, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để sàng lọc viêm gan B, hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
- Băng kín các vết thương hở, tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của người bệnh viêm gan B
- Trường hợp tình cờ tiếp xúc với dịch tiết hoặc máu nghi ngờ có nhiễm siêu vi B cần rửa sạch dưới vòi nước theo 1 chiều và sau đó nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhiễm để được tư vấn liệu trình dự phòng lây nhiễm siêu vi B thích hợp
- Tránh dùng chung các vật sắc nhọn như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng và bông tai,..
- Nếu có ý định xăm hình hoặc xỏ khuyên, cần lựa chọn địa điểm xăm uy tín, đảm bảo sử dụng kim mới, vô trùng
Tóm lại, viêm gan virus B hiện đang là một thách thức lớn của sức khỏe toàn cầu nói chung, và nước ta hiện nay. Hiểu rõ được bệnh và các nguyên nhân lây nhiễm phổ biến của bệnh từ đó có cách phòng tránh hiệu quả, tránh được các biến chứng, hậu quả nghiêm trọng của viêm gan virus B.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định 3310 Bộ Y Tế : HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN VIRUS B.
2. Phác đồ điều trị Viêm gan siêu vi, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh
BS. Huỳnh Minh Nhựt - Khoa Nhiễm
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức