VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG |NHẬN BIẾT VÀ ĐIỀU TRỊ

Bởi supadmin -08-07-2024
Đại tràng là bộ phận chính trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ quan dễ gặp phải những tổn thương nghiêm trọng nhất. Một trong những vấn đề đại tràng thường mắc phải đó chính là tình trạng viêm loét. Viêm loét đại tràng gây ra cho người bệnh những phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vậy viêm đại tràng là gì? Làm cách nào để khắc phục tình trạng viêm loét đại tràng hiệu quả?

 

Viêm loét đại tràng là gì?

      Viêm loét đại trực tràng là tình trạng viêm ở lớp niêm mạc đại trực tràng. Bệnh có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc trở thành mạn tính.

      Bệnh có thể khiến người bệnh khó chịu hoặc đau đớn. Trong một số trường hợp còn gây chảy máu và làm tăng tỉ lệ mắc bệnh lí ung thư đại trực tràng.

Nguyên nhân của viêm loét đại trực tràng là gì?

  • Thói quen ăn uống không lành mạnh: Việc ăn uống không lành mạnh, kém vệ sinh có thể dẫn tới một số bệnh nhiễm trùng lây nhiễm ngoài ý muốn như nhiễm khuẩn đường ruột do các loại vi khuẩn salmonella, shigella hoặc campylobacter gây ra.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Uống thuốc kháng sinh có thể liên quan tới tình trạng viêm trực tràng ở một số người. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng thì thuốc kháng sinh cũng có nguy cơ loại bỏ cả những lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Việc này lại tạo điều kiện cho Clostridium difficile – một hại khuẩn gây viêm trực tràng và viêm đại tràng
  • Gen của người bệnh: hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức trên cơ địa yếu tố di truyền về gen phản ứng với các tác nhân vi khuẩn, vi rút thức ăn khi tiếp xúc với đường tiêu hoá
  • Tuy nhiên không phải viêm đại tràng nào cũng có nguyên nhân rõ ràng, đôi khi không xác định được nguyên nhân.

Triệu chứng của viêm loét đại trực tràng?

      Triệu chứng viêm loét đại trực tràng phổ biến nhất có tên gọi là mót rặn (Tenesmus). Đây là tình trạng bụng khó chịu và thường xuyên muốn đi tiêu – kể cả khi vừa đi vệ sinh xong. Viêm và kích ứng niêm mạc trực tràng là nguyên nhân gây ra tình trạng mót rặn ở người bệnh.

      Dấu hiệu viêm loét đại trực tràng:

  • Đi cầu ra máu
  • Ngứa hoặc nóng rát hậu môn
  • Chảy máu trực tràng
  • Đau hậu môn hoặc trực tràng
  • Đau quặn bụng từng cơn
  • Trực tràng tiết dịch nhầy hoặc mủ
  • Tiêu chảy hoặc thường xuyên đi ngoài phân lỏng
  • Sưng hạch bạch huyết ở bẹn

      Ngoài ra bệnh nhân có thể kết hợp thêm với các biểu hiện ngoài ruột:

Chẩn đoán viêm loét đại trực tràng?

      Bất kỳ ai nghi ngờ mình bị viêm đại trực tràng hoặc nhận thất các triệu chứng bất thường nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Dựa trên các thông tin về triệu chứng, tình trạng sức khoẻ hiện tại. tiền sử gia đình và hành vi tình dục, bác sĩ sẽ quyết định những xét nghiệm nào cần thiết. 

  • Xét nghiệm máu: Nhằm phát hiện nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân: Xác định tình trạng viêm trực tràng có phải do vi khuẩn gây ra hay không.
  • Nội soi đại tràng : Kiểm tra ống hậu môn và phần dưới trực tràng hay toàn bộ đại tràng bằng ống nội soi mềm.
  • Kết hợp với các chẩn đoán hình ảnh khác như Ct-scanner ổ bụng, siêu âm ổ bụng để xác định nguyên nhân và các biến chứng.

Các biến chứng của viêm loét đại trực tràng.

      Nếu không điều trị kịp thời hoặc bệnh không đáp ứng với điều trị thì viêm trực tràng có thể dẫn tới nhiều biến chứng, bao gồm:

  • Thiếu máu: Chảy máu trực tràng mạn tính có thể gây ra thiếu máu. Tình trạng này khiến người bệnh bị thiếu hồng cầu để vận chuyển oxy tới các mô. Thiếu máu còn khiến bạn mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, da xanh xao và dễ cáu gắt.
  • Áp xe: Khu vực có đau, sưng và chứa nhiều mủ do nhiễm trùng.
  • Hình thành vết loét rộng và rò rỉ: Bệnh viêm trực tràng mạn tính có nguy cơ cao hình thành các vết loét trên niêm mạc bên trong trực tràng. Khi vết loét mở rộng qua thành ruột tạo thành một “lỗ rò” kết nối bất thường giữa ruột và da hoặc giữa ruột với các cơ quan khác (bàng quang, âm đạo...)
  • Ung thư đại trực tràng: Đây là một biến chứng nguy hiểm của viêm trực tràng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời.

Điều trị viêm loét đại tràng như thế nào?

Biện pháp chung:

  • Tiết chế ăn uống
  • Điều chỉnh tình trạng đi tiêu
  • Điều trị hỗ trợ: an thần, thuốc điều hoà vận động đường ruột

      Điều trị bằng nội khoa:

      Tuỳ theo từng nguyên nhân khác nhau, mức độ bệnh khác nhau từ nặng đến nhẹ, các bác sĩ chọn lựa các phương pháp điều trị thích hợp với từng bệnh nhân.

Một số thuốc được sử dụng trong bệnh viêm loét đại trực tràng:

  • Thuốc kháng sinh trong trường hợp viêm nhiễm đại trực tràng do nguyên nhân nhiễm khuẩn
  • Thuốc kháng viêm: 5 ASA. Corticosteroid
  • Thuốc ức chế miễn dịch

      Phẫu thuật điều trị

      Nếu điều trị bằng phương pháp nội khoa không giúp bệnh giảm hoặc thường xuyên tái phát thì có khả năng bạn sẽ cần thêm phẫu thuật để loại bỏ một phần cơ quan đang có vấn đề của đường tiêu hoá để chấm dứt bệnh

      Khi có các biến chứng: thủng đại tràng, xuất huyết tiêu hoá ồ ạt….

Phương pháp phòng ngừa viêm loét đại trực tràng như thế nào?

      Chế độ ăn:

  • Hạn chế các thực phẩm từ sữa vì có thể gây tiêu chảy, đau bụng, trung tiện do không dung nạp lactose
  • Chế độ ăn ít chất béo, tránh bơ, nước xốt kem, thức ăn chiên rán
  • Dùng thức ăn nấu chín, nhất là thức ăn nhiều chất xơ
  • Hạn chế ăn cay, rượu bia, cà phê

      Probiotic có thể giúp duy trì lui bệnh

      Uống nhiều nước mỗi ngày theo nhu cầu cơ thể khoảng 2 lít nước mỗi ngày

      Bổ sung vitamin và muối khoáng.

BS.CKII Nguyễn Thị Bé – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa

Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức