VIÊM PHỔI CỘNG ĐỒNG Ở TRẺ EM VÀ NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN LƯU Ý

Bởi supadmin -04-04-2023
Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong trẻ em nhiều nhất trên thế giới...

1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ VIÊM PHỔI CỘNG ĐỒNG Ở TRẺ EM

1.1. Đại cương về viêm phổi và viêm phổi cộng đông ở trẻ em

  • Viêm phổi là tình trạng tổn thương viêm của nhu mô phổi với các triệu chứng thường gặp như ho, sốt, khó thở, …
  • Viêm phổi cộng đồng là viêm phổi trên trẻ em khoẻ mạnh trước đó, nhiễm bệnh từ cộng đồng hoặc trong vòng 48h đầu từ khi nhập viện.
  • Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở các nước đang phát triển (29 đợt bệnh/100 trẻ/ năm).
  • Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong trẻ em nhiều nhất trên thế giới.

1.2. Nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc viêm phổi

  • Trẻ sinh non, nhẹ cân
  • Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu Vitamin A
  • Trẻ bị sởi hoặc không tiêm phòng sởi đầy đủ
  • Trẻ sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí, vệ sinh kém, đông đúc
  • Hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động
  • Người chăm sóc trẻ không có kinh nghiệm
  • Trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh, dị tật bẩm sinh
  • Suy giảm miễn dịch
  • Trào ngược dạ dày thực quản...

1.3. Tác nhân gây bệnh và mùa bệnh trong năm

  • Viêm phổi xảy ra quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa lạnh, mùa mưa (ở Việt Nam là vào tháng 4-5; 9-10).
  • Đường lây truyền là thông qua giọt bắn đường hô hấp trong không khí.
  • Các tác nhân thường gặp:
  • Do vi sinh vật: vi khuẩn hoặc virus:
    •    Siêu vi hợp bào hô hấp (RSV) thường gây bệnh ở trẻ nhũ nhi, trong bệnh cảnh Viêm tiểu phế quản.
    •    Phế cầu (S.pneumoniae) là tác nhân vi khuẩn thường gặp nhất ở trẻ > 1 tuổi.
  • Hoặc có thể không do vi sinh vật: 
    •    Hít sặc các chất lạ, thức ăn, do thuốc, độc chất.

2. DẤU HIỆU CỦA VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM

  • Những triệu chứng thường gặp gồm:
    •    Ho, sốt
    •    Quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú
    •    Thở nhanh hơn bình thường
    •    Đau ngực, cảm giác khó thở
  • Lưu ý: không phải trẻ viêm phổi nào cũng có triệu chứng tương tự và có tất cả các triệu chứng kể trên, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chăm sóc kịp thời và chính xác, đặc biệt với trẻ dưới 2 tháng tuổi.
  • Những dấu hiệu cần lập tức nhập viện (Cấp cứu)
    •    Ngưng thở Tím tái: tím môi, tím lưỡi
    •    Thở nhanh > 70 lần/ phút với trẻ nhũ nhi (<1 tuổi) hoặc > 50 lần/ phút với trẻ lớn hơn
    •    Khó thở: thở rút lõm ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên
    •    Diễn tiến xấu hơn sau khi điều trị ngoại trú
    •    Tiền căn bệnh lý bẩm sinh: bệnh tim bẩm sinh, bệnh thần kinh – cơ, suy giảm miễn dịch, …

  • Dấu hiệu khó thở ở trẻ: Hình trên: trẻ thở bình thường, hình dưới: khi trẻ khó thở, da ở vùng giữa các xương sườn, hoặc bên dưới lồng ngực của trẻ giống như bị lõm vào, gọi là “thở rút lõm ngực”.

3. ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI

3.1. Sơ lược về điều trị viêm phổi ở trẻ em

  • Tuỳ theo độ tuổi, mức độ nặng, tác nhân gây bệnh mà viêm phổi có thể điều trị ngoại trú hoặc cần nhập viện. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh hoặc nhũ nhi, cần phải được điều trị trong bệnh viện
  • Viêm phổi do vi khuẩn cần được điều trị kháng sinh
  • Uống đủ thuốc theo liệu trình điều trị của bác sĩ
  • Thông thường, trẻ thường sẽ cải thiện tình trạng bệnh sau 2-3 ngày điều trị. Tuy nhiên, trẻ vẫn sẽ còn mệt và ho trong vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi đã điều trị

3.2. Chăm sóc trẻ Viêm phổi

  • Để trẻ nghỉ ngơi thoải mái
  • Cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn
  • Cung cấp đủ lượng dịch cần thiết cho bé qua nước và thức ăn
  • Có thể cho bé uống nhiều lần, mỗi lần một ít
  • Vệ sinh mũi họng
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh trong nhà, người chăm sóc trẻ cần rửa tay trước khi tiếp xúc trẻ và sau đó
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế: giảm đau, hạ sốt, thuốc ho thảo dược, long đờm...
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
  • Lưu ý những dấu hiệu nặng cần đến bệnh viện ngay (xem phía trên)

3.3. Phòng ngừa Viêm phổi ở trẻ em

  • Trong quá trình chăm sóc trẻ
    •    Giữ vệ sinh môi trường xung quanh, tránh khói bụi, khói thuốc lá, không khí lạnh
    •    Rửa tay thường xuyên, hạn chế cho trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng
    •    Đeo khẩu trang khi đi đến nơi ô nhiễm không khí hoặc ở nơi công cộng
    •    Ăn uống đầy đủ, tăng cường sức đề kháng, uống đủ nước
    •    Cách ly trẻ với người bệnh để tránh lây lan
  • Chủng ngừa
    •    Chủng ngừa các tác nhân viêm phổi: Haemophilus influenzae type B, thủy đậu, phế cầu, não mô cầu, …
    •    Chủng ngừa cúm cho trẻ từ 6 tháng trở lên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Hữu Nguyệt Diễm. Viêm Phổi. Đại học Y dược TP.HCM. Nhi Khoa Tập 1. TP.HCM: NXB Đại học Quốc gia TP.HCM; 2020. trang. 157-175.

2. William J Barson (2022), Pneumonia in children: Epidemiology, pathogenesis, and etiology, xem ngày 27/02/2023.

BS CKI Nguyễn Thanh Tuấn - Khoa Nhi

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức