XÉT NGHIỆM TOXOCARA AB MIỄN DỊCH TỰ ĐỘNG TRONG BỆNH GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO

Bởi supadmin -24-02-2025

I. Giới thiệu

1. Tổng quan

      Toxocara spp là 1 loại ký sinh trùng giun sán với sự phân bố trên toàn thế giới ước tính lây nhiễm cho hàng chục triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, các điều tra dịch tễ học bằng việc sử dụng phương pháp ELISA và can thiệp cộng đồng của bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người đã cho thấy tỷ lệ nhiễm Toxocara spp ở mức trung bình cao. Tất cả mọi độ tuổi, cả hai giới đều có thể bị nhiễm và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành.

      Ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis) mèo (Toxocara cati) là tác nhân gây bệnh chính. Nguồn bệnh là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp., đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.

      Người thường bị nhiễm trứng giun đũa chó/mèo khi ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun. Một số thực phẩm thường gặp là phủ tạng hay thịt sống chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

2. Chu kỳ phát triển

3. Triệu chứng lâm sàng:

      Triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào các thể bệnh khi người bệnh bị nhiễm âu trùng bao gồm: thể thông thường, thể ấu trùng di chuyển trong nội tạng, thể ấu trùng di chuyển trong mắt và ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh.

      Thể thông thường: các triệu chứng không quá rầm rộ, có thể gặp như: ngứa, nổi mẫn; đau đầu; đau bụng; ho; rối loạn giấc ngủ hoặc thay đổi hành vi.

      Thể ấu trùng di chuyển trong nội tạng: thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau như tim, phổi và gan. Các triệu chứng thường phụ thuộc vào số lượng và vị trí cơ quan bị ký sinh, thường gặp là: đau bụng mãn tính, gan to, tiêu chảy, nôn; khò khè, ho khan, khó thở; tức ngực; sốt, đau đầu, mệt mỏi, sút cân; mẩn ngứa, nổi ban.

      Thể ấu trùng di chuyển trong mắt: thường xảy ra ở trẻ em từ 5 đến 10 tuổi và thường biểu hiện dưới dạng suy giảm thị lực một bên, đôi khi kèm với lác.

      Thể ấu trung di chuyển đến hệ thần kinh: đây là thể bệnh nguy hiểm so với các thể khác. Các triệu chứng không đặc hiệu, mức độ biểu hiện phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh như: Sốt, đau đầu, co giật.

4. Cận lâm sàng

4.1 Xét nghiệm

      Qua bước khám lâm sàng, để bổ sung và khẳng định kết quả chính xác thì phương pháp xét nghiệm rất cần thiết.

  • Xét nghiệm Toxocara ( giun đũa chó mèo) Ab miễn dịch tự động có thể phát hiện kháng thể IgG kháng kháng nguyên tiết của toxocara spp.
  • Sinh học phân tử: phát hiện đoạn gen đặc hiệu của ấu trùng giun đũa chó mèo trong bệnh phẩm sinh thiết.
  • Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh ký sinh trùng chó mèo như:  công thức máu để kiểm tra bạch cầu ái toan, máu lắng, định lượng IgE…

4.2 Chẩn đoán hình ảnh

      Bên cạnh xét nghiệm, một số hình ảnh hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh như: Chụp Xquang phổi, Chụp cắt lớp vi tính-CT scanner, MRI để đánh giá các tình trạng nghi tổn thương tại các cơ quan.

      Siêu âm ổ bụng, siêu âm đầu dò nông: phát hiện được các tổn thương tạng trong ổ bụng hoặc phần mềm dưới da.

5. Điều trị

      Chỉ định điều trị dùng thuốc sẽ tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm của từng bệnh nhân, từ đó bác sĩ sẽ quyết định có cần dùng thuốc điều trị hay không. Một số loại thuốc điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo như Albendazole, Thiabendazole, Ivermectin…

6. Dự phòng

      Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo. Với chó, mèo con, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chúng mới sinh ra 2-3 tuần tuổi (vì chó, mèo con có thể nhiễm giun từ mẹ trước hoặc sinh sinh, hoặc qua đường sữa và chó con thường đào thải trứng nhiều trong môi trường), tẩy 3 lần cách nhau mỗi 2 tuần và sau đó nhắc lại 6 tháng một lần. Dùng thuốc chống giun dự phòng định kỳ, kể cả chó con và chó cái mang thai để hạn chế lan truyền bệnh;

      Vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em;

      Thu dọn, loại bỏ ngay các phân của thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm.

      Rửa tay sạch sau khi sờ hay chơi với các thú cưng và vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi nguy cơ nhiễm.

      Xây dụng nếp sống vệ sinh các nhân tốt: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống chín. Cọ rửa sạch nơi vui chơi của trẻ em.

      Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức vệ sinh các nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó, mèo.

II. Xét nghiệm Toxocara AB miễn dịch tự động

1. Ý nghĩa

   Xét nghiệm giúp chẩn đoán trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.

   Bên cạnh đó xét nghiệm trên còn được bác sĩ dùng để đánh giá theo dõi đáp ứng của bệnh nhân sau điều trị

2. Nguyên lý:

      Bộ kit ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) để tìm kháng thể loại IgG của ấu trùng giun đũa chó mèo trong cơ thể người

3. Bệnh phẩm

Huyết thanh

BS. Phan Thị Thùy Dương, BS.Nguyễn Thị Kim Chi – Khoa Xét nghiệm

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức