Trong thời gian gần đây, số ca mắc cúm tại việt nam vẫn có xu hướng gia tăng với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B, với nhiều trường hợp chuyển biến nặng kèm theo các biến chứng viêm phổi và phải thở máy, điều kiện thời tiết mùa xuân - xuân với khí hậu ẩm thấp và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh chóng.
Triệu chứng điển hình của cúm mùa
Sốt cao, viêm đường hô hấp, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau đầu và mỏi người. Sau vài ngày, triệu chứng sẽ giảm dần và người bệnh hồi phục.
Tuy nhiên, một số người vẫn có thể bị ho kéo dài. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể gặp phải diễn biến nặng như viêm phổi, và trong những trường hợp hiếm hoi, cúm có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh cúm khi chuyển nặng sẽ có dấu hiệu như:
- Khó thở: Cảm giác khó thở hoặc thở gấp, có thể kèm theo thở nhanh, hoặc không thể thở bình thường.
- Đau ngực: Đau ngực khi thở hoặc cảm giác tức ngực là dấu hiệu nghiêm trọng.
- Mệt mỏi dữ dội: Mệt mỏi, suy kiệt và cảm giác yếu đi nhanh chóng.
- Ho nặng và kéo dài: Ho có thể xuất hiện với đờm hoặc có máu.
- Sốt cao kéo dài: Nhiệt độ cơ thể cao trên 39°c, không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.
- Rối loạn nhận thức: Người bệnh có thể bị lú lẫn, mất phương hướng, hoặc có biểu hiện mê sảng.
- Da tím tái hoặc nhợt nhạt: Cung cấp oxy cho cơ thể bị suy giảm, da và môi có thể chuyển sang màu xanh hoặc nhợt nhạt.
- Nôn hoặc tiêu chảy: Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng hoặc biến chứng viêm phổi.
Ai cần đặc biệt lưu ý về cúm mùa?
Người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi hoặc người có bệnh nền, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vì vậy, cúm mùa là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với người cao tuổi và những người mắc bệnh nền.
Vắc xin cúm là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng bệnh và giảm nguy cơ biến chứng nặng.
1. Những ai nên tiêm vắc xin cúm?
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều có thể tiêm vắc xin cúm
2. Vắc xin cúm có hiệu quả như thế nào?
Vắc xin cúm là biện pháp phòng cúm tốt nhất, giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong
Hiệu quả của vắc xin thay đổi tùy thuộc vào chủng vi rút cúm, mức độ phù hợp của chúng với vắc xin, tình trạng sức khỏe, độ tuổi và thời gian tiêm vắc xin, dù không thể phòng tránh hoàn toàn nhưng vắc xin sẽ giúp người tiêm có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh từ 40-60% ở những mùa cúm có sự tương đồng giữa chủng vắc xin và chủng virus lưu hành.cụ thể, nếu không may mắc bệnh trong trường hợp đã tiêm vắc xin cúm, người bệnh sẽ giảm nguy cơ nhập viện khoảng 40-70%, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh nền.
Vắc xin bảo vệ phụ nữ có thai, giúp giảm nguy cơ sảy thai, sinh non, nhẹ cân.
3. Tôi có cần phải tiêm vắc xin cúm mỗi năm không?
Có. Vi rút cúm liên tục thay đổi và các chủng khác nhau có thể lưu hành mỗi năm. Mỗi năm, bạn chỉ cần tiêm một liều vắc xin. Sau khoảng 2 tuần, cơ thể sẽ tạo đủ kháng thể bảo vệ người tiêm khỏi cúm mùa.
Thời điểm lý tưởng để tiêm thường vào cuối tháng 10, nhưng ở việt nam, cúm có thể xuất hiện quanh năm. Vì vậy cần chủ động tiêm phòng ngay khi có vắc xin.
4. Vắc xin cúm có an toàn không?
Có, vắc xin cúm đã được sử dụng hơn 50 năm với hàng triệu người tiêm và có hồ sơ an toàn tốt. Các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia kiểm tra kỹ lưỡng từng loại vắc xin trước khi cấp phép và theo dõi tác dụng phụ thường xuyên.
5. Tôi có cần tiêm vắc xin cúm nếu tôi mới bị cúm gần đây không?
Có. Vẫn nên tiêm vắc xin cúm nếu bạn đã bị cúm, Có nhiều chủng cúm khác nhau, và bạn có thể mắc lại nếu không có miễn dịch với các chủng mới. Tiêm vắc xin giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ tái nhiễm.
6. Tôi đang mang thai, vậy tiêm vắc xin cúm có an toàn không?
Có, tiêm vắc xin cúm khi mang thai là an toàn. Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc cúm nặng hơn, và tiêm vắc xin giúp bảo vệ cả mẹ và bé. Kháng thể từ vắc xin sẽ được truyền cho em bé qua sữa mẹ, giúp bảo vệ bé khỏi cúm.
Hiện Việt Nam lưu hành 4 loại vắc xin cúm gồm vaxigrip tetra, influvac tetra, gcflu quadrivalent, ivacflu-s, có giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng tùy theo cơ sở y tế.
Tài liệu tham khảo:
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức