Bệnh nhân nam NTT, sinh năm 1992. Nhập viện 21g20ph ngày 10/02/2025 trong tình trạng hôn mê, được trợ thở bằng bóp bóng qua nội khí quản và huyết áp tụt sâu phải sử dụng thuốc vận mạch.
Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân bị cảm cúm khoảng 3 ngày nay, có đi mua thuốc uống, các triệu chứng sốt, sổ mũi có thuyên giảm. Chiều ngày 10/02/2025, bệnh nhân đột ngột ngất, lay gọi không trả lời, người nhà lo lắng nên đưa vào bệnh viện. Tại bệnh viện Hoàn Hảo, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, được nhập viện để theo dõi. Khoảng 19g45p cùng ngày, bệnh nhân đột ngột bất tỉnh, ngưng tim ngưng thở được bác sĩ hồi sức khoảng 40 phút, có sốc điện 3 lần, tưởng chừng như không qua nổi. nhưng sau đó, bệnh nhân có nhịp tim trở lại và được chuyển qua bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân Nguyễn Thế T, nam, 33 tuổi, nhập khoa HSTC-CĐ trong tình trạng hôn mê, đang bóp bóng qua ống nội khí quản, tụt huyết áp đang sử dụng thuốc vận mạch. Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê sau ngưng hô hấp tuần hoàn do rung thất- hội chứng Brugada type I. Bệnh nhân ngay lập tức được thực hiện các kĩ thuật cao như hạ thân nhiệt chỉ huy và hồi sức huyết động. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống trợ thở, tự thở khí trời, không để lại bất cứ di chứng nào. Sau đó bệnh nhân được hội chẩn chuyên khoa tim mạch và rối loạn nhịp để khảo sát điện sinh lí tim. Ngày 14/02 bệnh nhân đã được chuyển bệnh viện có chuyên khoa nhịp học.
Hội chứng Brugada là một loại rối loạn nhịp hiếm gặp, tần suất khoảng 5/10.000 dân số tại Đông Nam Á. Bệnh thường biểu hiện ở độ tuổi 30-40: Thở kiểu hấp hối về đêm (nocturnal agonal respiration), ngất, hồi hộp, và thường kèm theo các rối loạn nhịp khác. Sử dụng các thuốc, chất kích thích, hoặc thậm chí là sốt có thể làm kịch phát cơn rối loạn nhịp đe dọa tính mạng như rung thất, và nặng hơn là ngừng tim nếu không hồi sức kịp thời sẽ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề như sống thực vật.
Kĩ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp đưa nhiệt độ cơ thể xuống 32-340C trong 24h, sau đó tăng nhiệt độ dần về 37 0C. Phương pháp này sẽ giúp bảo vệ các tế bào não sau đợt ngưng tim. Vì vậy, bệnh nhân sẽ được trở về cuộc sống với các chức năng hoạt động, trí tuệ như trước đây. Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức đã thực hiện kĩ thuật này nhiều năm nay và đã cứu được nhiều bệnh nhân ngưng tim trở về cuộc sống bình thường.
Qua ca bệnh này, chúng tôi khuyên người dân không nên chủ quan. Nếu có bất thường nên đi bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra và phát hiện bệnh sớm, không làm chậm trễ công tác chữa bệnh.
ThS.BS.CKII Nguyễn Quý - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức