DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Bởi supadmin -16-10-2023
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay gọi là trào ngược dạ dày là một bệnh lý về đường tiêu hóa rất phổ biến tại Việt Nam. Ở người bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng và xuống đến thực quản, các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Tuy nhiên, người bị trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản (đây là phần ống nối từ miệng đến dạ dày), khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

        Những triệu chứng thường gặp của bệnh:

  • Người bệnh thường xuyên ợ nóng, ợ hơi, ợ chua đặc biệt là về ban đêm.
  • Trào ngược dạ dày cũng gây ra tình trạng buồn nôn và có thể nôn ra thức ăn hoặc dịch vị, thường gặp nếu ăn quá no hoặc nằm liền sau ăn.
  • Đau tức ngực ở thượng vị cũng có nhiều khả năng bắt nguồn từ trào ngược dạ dày thực quản. Cơn đau ở thượng vị hay cảm giác khó chịu sau xương ức có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh tim mạch.
  • Người bệnh có thể có cảm giác khó nuốt, vướng hoặc cảm giác như một cục nghẹn ở cổ.
  • Một triệu chứng thường gặp khác nữa ở người trào ngược dạ dày thực quản là đau họng, ho kéo dài và khan tiếng. 

      Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ ai, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn và không phải lúc nào bác sĩ cũng tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, có vài nhóm người được đánh giá là có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:

  • Người bị thừa cân hoặc béo phì vì có thể tạo sức ép lên bụng
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ
  • Người phải sử dụng một số thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs
  • Người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động do khói thuốc khi vào cơ thể qua đường thực quản sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày
  • Người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày, hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì

      Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản:

      Khi bạn đã nhận biết được bệnh thông qua những triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, theo quy trình thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng để xác định mức độ trào ngược dạ dày của bạn.

1. Nội soi tiêu hóa trên

      Nội soi tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán tình trạng viêm thực quản, loét, xuất huyết và hẹp thực quản. Thông qua kết quả nội soi, bác sĩ sẽ đánh giá độ dài của các vết xước trên niêm mạc cùng với phạm vi mà nó lan rộng để biết được mức độ tổn thương của thực quản.

      Có hơn 60% trường hợp ca bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà không có hình ảnh viêm thực quản trên nội soi, còn được gọi là trào ngược không viêm. Bác sĩ nên phân loại đúng tình trạng để đưa ra được liệu trình điều trị phù hợp.

2. Đo áp lực nhu động thực quản

      Đo áp lực nhu động thực quản dùng để đánh giá chức năng cơ thắt thực quản dưới và các cơ thắt khác của thực quản. Đo áp lực nhu động thực quản thường được chỉ định trước và sau phẫu thuật trào ngược hoặc ở những bệnh nhân trào ngược không đáp ứng điều trị, giúp bác sĩ loại trừ các rối loạn vận động thực quản hiếm gặp.

3. Đo pH, trở kháng thực quản 24H

      Đo pH , trở kháng thực quản 24H được xem là tiêu chuẩn chẩn đoán hàng đầu trong việc xác định tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở người bệnh dựa trên số cơn trào ngược acid lên hầu họng trong 24 giờ, pH hầu họng. Công cụ này giúp xác định chính xác trào ngược acid, acid yếu hoặc kiềm dạng dịch hoặc khí dung lên mũi, họng và khí quản.

 4. Chụp X Quang thực quản

      Phương pháp chẩn đoán chụp X quang thực quản được thực hiện khi dựa trên triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản lâm sàng, bác sĩ nghi ngờ người bệnh có biến chứng teo hẹp, loét thực quản hoặc thoát vị hoành.

Các biến chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản:

   Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến viêm thực quản, loét thực quản, hẹp thực quản, Barrett thực quản (thay thế biểu mô vảy bình thường của thực quản xa bằng biểu mô trụ siêu sản trong giai đoạn chữa lành của viêm thực quản cấp tính) và ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Hình ảnh thực quản Barrett

      Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh mạn tính ngày càng thường gặp hơn ở các nước châu Á và có khuynh hướng tăng tần suất ở Việt Nam. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng mà còn có thể gây các biến chứng nặng như loét thực quản, hẹp thực quản và hóa ung thư. Việc chẩn đoán và điều trị cần được xem xét, cân nhắc kỹ để đạt kết quả tốt nhất , cũng như tránh bỏ sót những biến chứng nguy hiểm như hóa ung thư.

       Những dấu hiệu lâm sàng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý thông thường, vì thế, bạn cần cẩn trọng quan sát sự thay đổi sức khỏe của bản thân, đồng thời nắm rõ những triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Điều này giúp bạn phát hiện bệnh sớm và đến khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng bệnh phát triển nặng hơn.

Tài liệu tham khảo

Kristle Lee Lynch(2022) (, MD, Perelman School of Medicine at The University of Pennsylvania. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/bệnh-trào-ngược-dạ-dày-thực-quản-gerd

BS Phan Tiến Đạt – Khoa Nội Tiêu Hóa

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức