ỨNG DỤNG NỘI SOI TRONG PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP TẠI CHI TRÊN

Bởi supadmin -07-05-2024

I. Nội soi khớp cổ tay

Hình 1: Nội soi khớp cổ tay

      Phẫu thuật nội soi với những ưu điểm như sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít xâm lấn, ít đau sau mổ nên ngày càng được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh lý ở nhiều vùng trên cơ thể. Phẫu thuật nội soi để điều trị các bệnh lý tại cổ tay ngày nay được chỉ định rộng rãi hơn kể từ khi nó được sử dụng lần đầu vào năm 1970 [3]. Phẫu thuật nội soi cổ tay có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý thường gặp như [11]:

+ Làm sạch các mảnh sụn rời tự do trong khớp.

Hình 2: mảnh sụn rời trong khớp (cấu trúc đánh dấu *) nhìn thấy qua nội soi

+ Điều trị tổn thương phức hợp sụn sợi tam giác cổ tay (TFCC): với triệu chứng thường gặp như đau cổ tay bờ bên trụ, đau cổ tay khi chống tay…bệnh nhân gặp phài khi bị chấn thương hoặc trong quá trình làm việc.

Hình 3: Phức hợp TFCC vùng cổ tay bị tổn thương

Hình 4: Phẫu thuật nội soi điều trị tổn thương TFCC

+ Cắt lọc hoạt mạc viêm vùng cổ tay.

Hình 5: phẫu thuật nội soi cắt hoạt mạc viêm trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp vùng cổ tay.

+ Cắt u hoạt dịch cổ tay.

Hình 6: Phẫu thuật nội soi cắt u hoạt dịch cổ tay

+ Điều trị hội chứng ống cổ tay.

Hình 7: phẫu thuật nội soi điều trị hội chứng ống cổ tay

+ Mất vững vùng cổ tay.

+ Làm ngắn đầu xa xương trụ

+ Cắt lọc khớp thoái hóa hoặc cắt lọc trong trường hợp khớp cổ tay bị nhiễm trùng.

          Hiệu quả của việc sử dụng nội soi trong điều trị các bệnh vùng cổ tay đã cho thấy tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân rất cao. Cụ thể, tỉ lệ hài lòng tốt của bệnh nhân phẫu thuật nội soi điều trị tổn thương TFCC lên tới 74 – 93% [4].

Tại bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức, Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình chúng tôi cũng đã triển khai phẫu thuật nội soi cổ tay để điều trị các bệnh lý nêu trên và mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân cao.

II. Nội soi khuỷu tay

Hình 8: nội soi khớp khuỷu tay

      Từ khi lần đầu được sử dụng vào năm 1931, nội soi khớp khuỷu đã ngày càng hoàn thiện và ngày nay nội soi khớp khuỷu đã trở nên an toàn hơn và điều trị được nhiều bệnh lý vùng khuỷu hơn [6],[8]. So với mổ hở thì nội soi khớp khuỷu có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như sẹo mổ nhỏ hơn, sau mổ ít đau ít sưng hơn, bệnh nhân có thể vận động sau mổ sớm hơn [2]. Các bệnh lý vùng khuỷu có thể sử dụng nội soi để điều trị như:

+ Làm sạch mảnh sụn rời trong khớp: là chỉ định phổ biến nhất của nội soi khớp khuỷu. Mảnh sụn rời trong khớp có thể gặp phải sau chấn thương, thoái hóa hoặc là bệnh lý màng hoạt dịch khớp khuỷu. Chúng làm cho hạn chế vận động khớp, ảnh hưởng đến chức năng khớp khuỷu [1].

Hình 9: mảnh sụn rời khớp khuỷu nhìn thấy trên Xquang

      Phẫu thuật nội soi làm sạch mảnh sụn rời trong khớp cho tỉ lệ thành công lên tới 89% [9]

+ Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu ngoài: gặp phải do cơ duỗi cổ tay quay ngắn bị tổn thương vi thể lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Hậu quả làm cho đau và hạn chế vận động khớp khuỷu. Phẫu thuật nội soi được sử dụng để làm sạch phần gân cơ bị tổn thương. Tỉ lệ thành công đã được ghi nhận lên tới 70% [7]

Hình 10: Hình minh họa phẫu thuật nội soi điều trị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài

Hình 11: hình ảnh tổn thương gân duỗi cổ tay quay ngắn tại mỏm trên lồi cầu ngoài qua nội soi (mũi tên đỏ) 

+ Viêm sụn bóc tách: là một phần sụn bị tách rời khỏi xương dưới sụn có thể do chấn thương vi thể làm cho máu nuôi phần sụn đó bị thiếu. Thường gặp ở bệnh nhân trẻ với triệu chứng đau, sưng, hạn chế vận động khớp khuỷu. Phẫu thuật nội soi được sử dụng để làm sạch phần tổn thương + mảnh sụn rời bị tách ra, khoan kích thích phần xương vị tổn thương. Với kết quả đã được báo cáo tới 80 -90% bệnh nhân có thể quay lại chơi thể thao sau khi phẫu thuật [10]

Hình 12: Viêm sụn bóc tách (mũi tên)

Hình 13: Viêm sụn bóc tách khớp khuỷu nhìn qua nội soi

+ Thoái hóa khớp khuỷu: mặc dù nội soi cắt lọc không thể điều trị dứt điểm được tình trạng thoái hóa khớp khuỷu, nhưng nội soi cắt lọc có thể làm sạch phần thoái hóa, làm sạch các mảnh sụn rời, cắt lọc phần hoạt mạc bị viêm làm giảm đau và phục hồi lại một phần biên độ vận động khớp khuỷu cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp khuỷu giai đoạn sớm [5]

Hình 14: phẫu thuật nội soi điều trị thoái hóa khớp khuỷu (minh họa)

Hình 15: Khớp khuỷu thoái hóa nhìn qua nội soi

          Tại Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức, khoa CTCH chúng tôi đã triển khai nội soi khớp khuỷu điều trị các bệnh lý nêu trên và mang lại hiệu quả điều trị rất tốt cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

1. Baker C L, Jr., Jones G L, (1999), "Arthroscopy of the elbow", Am J Sports Med, 27 (2), pp. 251-264.

2. Brach P, Goitz R J, (2006), "Elbow arthroscopy: surgical techniques and rehabilitation", J Hand Ther, 19 (2), pp. 228-236.

3. Chen Y C, (1979), "Arthroscopy of the wrist and finger joints", Orthop Clin North Am, 10 (3), pp. 723-733.

4. Corso S J, Savoie F H, Geissler W B, Whipple T L, et al, (1997), "Arthroscopic repair of peripheral avulsions of the triangular fibrocartilage complex of the wrist: a multicenter study", Arthroscopy, 13 (1), pp. 78-84.

5. Desmoineaux P, Carlier Y, Mansat P, Bleton R, et al, (2019), "Arthroscopic treatment of elbow osteoarthritis", Orthop Traumatol Surg Res, 105 (8s), pp. S235-s240.

6. Dodson C C, Nho S J, Williams R J, 3rd, Altchek D W, (2008), "Elbow arthroscopy", J Am Acad Orthop Surg, 16 (10), pp. 574-585.

7. Kalainov D M, Makowiec R L, Cohen M S, (2007), "Arthroscopic tennis elbow release", Tech Hand Up Extrem Surg, 11 (1), pp. 2-7.

8. Matsuura T, Egawa H, Takahashi M, Higashino K, et al, (2014), "State of the art: Elbow arthroscopy: review of the literature and application for osteochondritis dissecans of the capitellum", J Med Invest, 61 (3-4), pp. 233-240.

9. Ogilvie-Harris D J, Schemitsch E, (1993), "Arthroscopy of the elbow for removal of loose bodies", Arthroscopy, 9 (1), pp. 5-8.

10. Rahusen F T, Brinkman J M, Eygendaal D, (2006), "Results of arthroscopic debridement for osteochondritis dissecans of the elbow", Br J Sports Med, 40 (12), pp. 966-969.

11. Wolf J M, Dukas A, Pensak M, (2012), "Advances in wrist arthroscopy", J Am Acad Orthop Surg, 20 (11), pp. 725-734.

 BS.CKII Đỗ Quang Sang - Trưởng khoa Chấn Thương Chình Hình

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức