Điều trị bệnh đồng mắc trên bệnh nhân Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bởi supadmin -01-04-2024

Đại cương

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được
  • Đây là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm)
  • Bệnh nhân BPTNMT thường có thêm những bệnh khác đồng thời, gọi là bệnh đồng mắc
  • Bệnh đồng mắc ảnh hưởng xấu đến BPTNMT và ngược lại BPTNMT cũng là một trong những bệnh đồng mắc có tác động có hại đến kết cục của các bệnh lý khác

Các bệnh đồng mắc với Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm:

1. Tăng huyết áp

      Là bệnh đồng mắc thường gặp ở bệnh nhân BPTNMT. Các thuốc điều trị tăng huyết áp được ưu tiên lựa chọn ban đầu bao gồm: thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi

      Một số lưu ý về thuốc điều trị tăng huyết áp

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEIs): có thể gây ho và khởi phát cơn  hen
  • Thuốc chẹn beta: concor, propranolon không dùng trong hen phế quản
  • Thuốc ức chế kênh calci: thuốc có thể gây sưng chân ( Amlor &hellip
  • Thuốc lợi tiểu: lưu ý tác dụng giảm K+ trong máu

2. Suy tim


  • Triệu chứng của suy tim và BPTNMT có thể chồng lấp nhau như: khó thở, khó thở phải ngồi
  • Các xét nghiệm chẩn đoán suy tim: Điện tim,Siêu âm tim, X-quang ngực, Xét nghiệm máu... 
  • Điều trị: Thuốc trợ tim ( nếu có chỉ định), thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp ( nếu có chỉ định)…

3. Loạn nhịp tim

  • Tần suất loạn nhịp tim ước tính khoảng 12-14% bệnh nhân BPTNMT, trong đó rung nhĩ thường gặp nhất
  • Khi tình trạng khó thở nặng lên thường hay có rung nhĩ, và rung nhĩ có thể là yếu tố thúc đẩy hoặc là hậu quả của một đợt kịch phát cấp
  • Rung nhĩ không làm thay đổi điều trị BPTNMT. Tuy nhiên SABA và theophylline có thể thúc đẩy rung nhĩ và làm khó kiểm soát nhịp tim

4. Viêm mũi dị ứng, viêm xoang

  • Có mối liên quan giữa bệnh đường hô hấp trên và dưới
  • 10-40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có bệnh hen kèm theo
  • Nên điều trị viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi xoang mạn tính để giảm triệu chứng tại mũi
  • Điều trị: Kết hợp thuốc điều trị hen với corticoid xịt mũi hoặc montelukast dạng uống

5. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

  • Giảm thông khí liên quan giấc ngủ, ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương … gặp ở khoảng 40% các bệnh nhân BPTNMT, đặc biệt là những người bị béo phì
  • Điều trị: xem xét thở máy không xâm nhập CPAP hoặc BiPAP, dụng cụ hàm mặt, điều trị oxy nếu cần để bảo đảm bão hòa oxy trên 90%

6. Ung thư phổi

      Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây bệnh cho cả ung thư phổi và BPTNMT. Cả ung thư phổi và BPTNMT đều là những bệnh có nguy cơ mắc ở tuổi > 40

      Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư phổi

  • Tuổi > 55, hút thuốc lá > 30 gói / năm
  • Có giãn phế nang trên phim chụp cắt lớp vi tính
  • Tiền sử gia đình có ung thư phổi

      Với những trường hợp có một trong các yếu tố nguy cơ nêu trên: cần lưu ý bỏ thuốc lá sớm, và thực hiện sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư phổi

      Biện pháp dự phòng ung thư phổi tốt nhất (và cũng là dự phòng BPTNMT) là ngừng hút thuốc lá. Một số nghiên cứu sử dụng chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp trong sàng lọc các bệnh nhân lớn tuổi

7. Giãn phế quản

  • Có 2 Đặc điểm nổi bật là lượng đờm hàng ngày nhiều và thường có nhiều đợt kịch phát. đặc điểm nổi bật là lượng đờm hàng ngày nhiều và thường có nhiều đợt kịch phát
  • Chẩn đoán: chụp CLVT ngực độ phân giải cao
  • Điều trị: điều trị cả BPTNMT và giãn phế quản trong đó chú trọng kiểm soát nhiễm trùng do bội nhiễm 

8. Lao phổi 

  • Việt Nam là nước có độ lưu hành bệnh lao cao. Lao là bệnh thường gặp, có thể có trước, hoặc sau khi có chẩn đoán BPTNMT
  • BPTNMT có nguy cơ cao bị lao phổi, và là bệnh đồng mắc đứng hàng thứ hai sau tiểu đường ở bệnh nhân lao
  • Điều trị bằng phác đồ điều trị Lao theo chương trình chống Lao của Bộ Y tế

9. Trào ngược dạ dày - thực quản

  • Tỷ lệ trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) từ 19-78%. GERD góp phần làm gia tăng tần suất đợt cấp BPTNMT
  • Triệu chứng gồm: ợ hơi ợ chua, đầy bụng, cảm giác nóng rát sau xương ức. Một số trường hợp có thể không có triệu chứng trào ngược điển hình
  • Nội soi thực quản dạ dày hữu ích trong chẩn đoán GERD
  • Các thuốc ức chế bơm proton như: Nexium 40mg,  Rabeto 40mg…

10. Đái tháo đường

      Đái tháo đường đồng mắc làm gia tăng rõ rệt nguy cơ nhập viện và tỷ lệ tử vong

      Chẩn đoán xác định đái tháo đường ở các bệnh nhân BPTNMT vẫn dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường của Hội Đái tháo đường Mỹ, trong đó:

  • HbA1C ≥ 6.5% hoặc
  • Glucose máu lúc đói ≥ 7 mmol/L hoặc
  • Glucose máu sau ăn 2h ≥ 11.1 mmol/L

11. Loãng xương

  • Là bệnh lý rất thường gặp ở các bệnh nhân BPTNMT (38%)
  • Các yếu tố nguy cơ của loãng xương bao gồm: Mãn kinh, hút thuốc lá, BMI < 18.5kg/m2, suy nhược cơ thể, giãn phế nang
  • Corticoid đường toàn thân làm gia tăng nghiêm trọng nguy cơ loãng xương, do vậy, nên tránh sử dụng corticoid trong điều trị các đợt cấp nếu có thể
  • Điều trị bao gồm: bổ sung canxi-  vitamin D, thuốc nhóm bisphosphonate

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế 2023- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ”

2. GOLD 2024 -“Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease”

3. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp.

4. Ngô Quý Châu và CS (2017). Bản dịch GOLD tiếng việt– Nhà xuất bản Y học.

BS. CKI Đặng Đức Khiêm, BS Nguyễn Vĩnh Thân - Khoa Nội Tổng Hợp

Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức

   Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt: