I. Chăm Sóc Dinh Dưỡng Khi Mang Thai
1.1 Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong thai kì
Sức khoẻ và cân nặng lúc sanh của trẻ liên quan nhiều đến việc người mẹ tăng cân như thế nào trong thai kỳ. Trẻ phát triển nhanh trong tử cung, ước tính thai nhi đang phát triển sản sinh ra 100.000 tế bào não trong một phút. Từ tuần thứ 26 của thai kỳ trở đi, một thai nhi tăng khoảng 30g trọng lượng mỗi ngày. Vì thế trẻ cần rất nhiều năng lượng. Đó cũng là lý do thai kỳ cần phải có nhiều năng lượng kể cả những phụ nữ dư thừa cân nặng.
Nếu người mẹ không tăng đủ cân trong thai kỳ sẽ có nhiều nguy cơ : suy dinh dưỡng bào thai, nhẹ cân, chậm phát triển tâm thần và vận động.
1.2 Dinh dưỡng tốt trong thai kì giúp mẹ tăng cân phù hợp
Sự tăng cân của bà mẹ trong thai kì bao gồm những yếu tố sau:
- Thai nhi: 3,3 kg
- Nhau thai: 0,7 kg
- Nước ối: 0,9kg
- Tử cung: 0,9 kg
- Mô vú: 0,4 kg
- Mỡ: 4kg
- Nước + máu: 2,4 kg
1.3 Mức tăng cân trong thai kì và nhu cầu năng lượng
*Chỉ số khối cơ thể:
BMI= cân nặng( kg): chiều cao(m): chiều cao(m)
Nguồn: Bảng nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016 (Ban hành theo Quyết định số 2615/QĐ- BYT ngày 16 tháng 6 năm 2016).
Tốc độ tăng cân nên duy trì ở mức 0,4kg/tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai tăng 0,5kg/tuần đối với phụ nữ có cân nặng thấp và 0,3kg/tuần đối với phụ nữ thừa cân.
1.4 Nhu cầu các chất dinh dưỡng chính
- Chất đạm: Cần thiết để xây dựng bào thai, nhau thai, mô cơ thể mẹ, có nhiều trong thịt cá, trứng, sũa, các loại đậu...
- Chất béo: Cần thiết cho xây dựng màng tế bào và hệ thống thần kinh của thai nhi, cung cấp năng lượng và giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu cho mẹ. Phụ nữ có thai cần lipid ở mức cao hơn bình thường.
- Chất bột, đường: Cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, có nhiều trong gạo, bún, miến, phở, khoai, củ,…
1.5 Nhu cầu vitamin, khoáng chất, vi chất
- Vitamin:
Vitamin đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi. Có 2 loại vitamin gồm vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B và C) và vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K), hầu hết các vitamin đều phải được cung cấp từ thức ăn (ngoại trừ vitamin D). Bà mẹ cần khoảng 10 – 30 phút tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mỗi ngày (tùy thuộc vào mùa trong năm) để tạo ra một lượng vitamin D vừa đủ.
- Can-xi:
+ Can-xi cần cho thai nhi xây dựng bộ xương và tạo răng. Nhu cầu can-xi hàng ngày ở phụ nữ mang thai cần khoảng 1200mg/ ngày.
+ Thiếu canxi mẹ mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, chuột rút, tăng nguy cơ loãng xương sau này, Con dễ mắc bệnh còi xương, biến dạng xương, chất lượng răng kém, ảnh hưởng sự phát triển chiều cao…
+ Thực phẩm chứa nhiều can-xi như sữa và các sản phẩm từ sữa, cá, đậu, rau xanh. Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai là nguồn cung cấp can-xi tốt cho cơ thể
Phụ nữ có thai nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và các chế phẩm sữa mỗi ngày.
- Acid folic:
+ Acid folic cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Khi thiếu acid folic ở phụ nữ có thai dễ gây ra thiếu máu hồng cầuvà gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
+ Acid folic có nhiều trong các loại rau có lá, bắp cải, măng tây, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, thận, trứng.
+ Nhu cầu acid folic ở phụ nữ mang thai cần cao hơn bình thường: cần 600 µg /ngày.
+ Hiện nay sử dụng viên bổ sung acid folic cho phụ nữ mang thai 400 µg/ngày được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Cần lưu ý phải uống bổ sung sớm ngay khi phát hiện có thai và liên tục đến tuần thứ 12.
- Sắt:
+ Sắt rất cần thiết cho cả mẹ lẫn con.
+ Thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, gan động vật chứa lượng sắt tương đối cao và dễ hấp thu. Một số thực phẩm chế biến sẵn được tăng cường sắt như bột dinh dưỡng, bột mì, nước mắm, mì tôm… cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng trong phòng chống thiếu máu.
+ Phụ nữ cần bổ sung viên sắt/acid folic 1 viên/ ngày (60mg sắt nguyên tố/ 400mcg acid folic) từ khi phát hiện có thai đến sau sinh một tháng.
1.6 Chế độ ăn :
- Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không ăn kiêng.
- Không nên dùng các loại kích thích: rượu, cà phê, thuốc lá.
- Hạn chế các gia vị: ớt, tiêu, tỏi, dấm …Giảm ăn mặn.
- Nếu bị nghén nên chia nhỏ bữa ăn và rải đều trong ngày.
- Nên uống nhiều nước( 1.5- 2 lít/ ngày), ăn nhiều thức ăn có chất xơ để ngừa táo bón.
II. Chăm Sóc Y Tế
Khám thai định kỳ hàng tháng , tối thiểu phải khám thai được 3 lần trong thai kỳ. Khám thai ngay nếu có các biểu hiện bất thường như xuất huyết âm đạo, đau bụng từng cơn, đau bụng dữ dội, thai ít máy hoặc không máy…
Hình ảnh lớp học
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan
Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức