TỔNG QUAN
Đột quỵ hay còn gọi là Tai biến mạch máu não (TBMMN) là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Đột quỵ là bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh lý tim mạch và ung thư, nhưng đứng hàng thứ nhất về tỷ lệ tàn phế. Là gánh nặng cho bản thân gia đình và xã hội.
Theo thống kê chưa đầy đủ hàng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ. Người cao tuổi có nguy cơ bị cao hơn, nhưng người trẻ dưới 45 tuổi có chiều hướng gia tăng chiếm khoảng 30% số trường hợp đột quỵ.
Đột quỵ là hậu quả của các bệnh lý như Tăng huyết áp (THA), Rối loạn Lipid máu, Đái tháo đường (ĐTĐ), Rung nhĩ ... Ngoài ra, người béo phì, nghiện rượu, hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bác Sĩ đang thăm khám bệnh nhân bị đột quỵ tại khoa Nội thần kinh
Đột quỵ có 02 thể:
- Xuất huyết não (do mạch máu bị vỡ dẫn đến máu tràn vào nhu mô não);
- Nhồi máu não chiếm khoảng 70% các trường hợp đột quỵ (do mạch máu bị bít tắt bởi huyết khối hay mãng xơ vữa);
Điều đáng nói là dù cho bệnh nhân có theo dõi tốt và uống thuốc đều đặn, đột quỵ vẫn có thể xãy ra; đương nhiên mức độ nặng sẽ không bằng người không theo dõi và uống thuốc đều đặn.
Trước đây, y học chưa phát triển và dân trí thấp nên đột quỵ chưa được người dân quan tâm và quan niệm điều trị cũng sai lầm (ví dụ: cho là bị trúng gió và phải cạo gió dẫn đến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn).
Ngày nay, với sự phát triển của y học cho ra đời những phương tiện chẩn đoán mới như máy CT Scan, MRI, DSA ... cùng với những phương pháp điều trị mới và tích cực như dùng thuốc tiêu sợi huyết (rtPA), lấy huyết khối bằng dụng cụ với sự hướng dẫn của máy DSA đã đem đến cơ hội hồi phục hoàn toàn cho bệnh nhân nếu như bệnh nhân nhập viện sớm và đúng chỉ định.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT LÀ BỊ ĐỘT QUỴ?
Đột quỵ xãy ra rất đột ngột bất cứ lúc nào và không thể dự đoán trước được. Triệu chứng của đột quỵ là đột nhiên tê, yếu hoặc liệt nữa người; và hoặc nói đớ (ngọng), khó nói; và hoặc méo miệng...
BỊ ĐỘT QUỴ THÌ PHẢI LÀM GÌ?
Đang bình thường mà có những triệu chứng trên thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất có trang bị hệ thống chẩn đoán đột quỵ như máy CT Scan, máy MRI, máy DSA ... để được chăm sóc tích cực cũng như có những phương pháp điều trị thích hợp cho từng thể bênh.
Không nên chọn bệnh viện xa nhà vì như thế nguy cơ sẽ mất thời gian vàng, mất đi cơ hội hồi phục hoàn toàn thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
BS.CKII Nguyễn Thanh Tùng
Trưởng Khoa Nội Tổng Hợp - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức