HEN VÀ COPD

Bởi supadmin -15-05-2021

Hen và COPD đang là các bệnh hô hấp mạn tính đứng hàng đầu trong mô hình bệnh tật và đang là gánh nặng cho y tế và xã hội. Chăm sóc y tế cho hai bệnh lý này đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây do các tiến bộ về chẩn đoán, thuốc và các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Mặc dù có những biểu hiện khá tương đồng nhưng bệnh hen không phải là COPD và ngược lại. Chính vì thế cũng có cách điều trị và kiểm soát khác nhau. Để điều trị hen và COPD, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản và thay đổi lối sống. Tuy nhiên cho đến hiện nay, cả hai bệnh này vẫn chưa có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn. Những cách điều trị chỉ có tác dụng khắc phục một phần các hệ quả do hen và COPD gây ra. Do đó, việc kiểm soát điều trị ngoại trú cũng như cách làm thế nào để hạn chế những đợt cấp, cách dùng thuốc cho đúng cách để làm chậm tiến triển là hết sức quan trọng.

Bệnh phát triển do đáp ứng viêm niêm mạc đường thở mạn tính với các tác nhân từ bên ngoài. Gây phù nề niêm mạc, co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhầy do đó biểu hiện đặc trưng nhất là tình trạng khó thở.

   Các triệu chứng thường gặp ở những người bị hen

Các triệu chứng của bệnh hen suyễn rất đa dạng. Một số biểu hiện bên ngoài khá chung rất dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh về phổi khác như lao, giãn phế quản, COPD. Sau đây là một số triệu chứng phổ biến nhất:

  • Ho: Ho có thể xuất phát từ nhiều loại bệnh nhưng nếu tình trạng ho kéo dài, các cơn ho xuất hiện chủ yếu vào ban đêm thì người bệnh cần lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
  • Thở khò khè: Khò khè là dạng tiếng rít hay âm thanh không bình thường phát ra khi thở. Đây được coi là dấu hiệu điển hình của bệnh hen suyễn. Không khí đi qua phổi bị cản trở bởi ống phế quản bị phù nề sẽ tạo nên âm thanh khò khè. Đặc biệt, người bệnh dễ bị khò khè khi gặp không khí lạnh.
  • Khó thở: Do đường thở bị thu hẹp gây ra hiện tượng khó thở cho người bệnh.
  • Thở nhanh và gấp: Đây là 1 dấu hiệu thường gặp của bệnh hen suyễn. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh vận động nhiều như leo cầu thang, chạy bộ, tập thể dục..,

   Các triệu chứng thường gặp ở những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

  • Tình trạng ho mãn tính, kéo dài.
  • Ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu.
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh.
  • Khó thở, thở gấp sức, thở gấp.
  • Thở khò khè, mệt mỏi kéo dài.

   - Chẩn đoán bệnh hen và COPD

Bệnh sử và tiền căn bệnh lý bản thân, gia đình, đặc biệt là tiền căn dị ứng thuốc, thức ăn, bệnh đồng mắc, thói quen hút thuốc lá rất giúp ích trong việc nhận diện và chẩn đoán ban đầu bệnh lý hen và COPD

Đo chức năng hô hấp có vai trò quan trọng trong chẩn đoán hen và COPD. Ở bệnh nhân COPD rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục mà thường tiến triển nặng theo thời gian, trong khi ở bệnh nhân hen phế quản: rối loạn thông khí tắc nghẽn chỉ xuất hiện trong cơn hen. Ngoài đo chức năng hô hấp, bác sĩ có thể thực hiện thêm 1 số xét nghiệm cần thiết như chụp XQuang ngực, xét nghiệm máu để  hỗ trợ chẩn đoán.

   - Kiểm soát hen và COPD ngoại trú

Có một nhận định chung rằng tình trạng kiểm soát hen trên phạm vi toàn cầu hiện nay thấp hơn nhiều so với các mục tiêu quản lý mà các tài liệu hướng dẫn đặt ra . Trong cộng đồng chỉ một tỷ lệ thấp bệnh nhân sử dụng thuốc kiểm soát, kể cả trên nhóm bệnh nhân hen hoặc COPD nặng dai dẳng. Tại Việt nam, các nghiên cứu đánh giá hiệu quả quản lý và điều trị ở cộng đồng không nhiều. Mặc dù y học đã có những tiến bộ quan trọng, nhưng hen và COPD còn chưa được chẩn đoán và điều trị đúng mức

Có rất nhiều yếu tố làm giảm việc tuân thủ điều trị hen và COPD ngoại trú của người bệnh:

   - Không hoặc thiếu cung cấp thông tin về trị liệu cung cấp cho người bệnh.

   - Phương pháp trị liệu có gây trở ngại tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

   - Tác dụng phụ của thuốc.

   - Phác đồ trị liệu quá phức tạp (nhiều loại thuốc, nhiều cách dùng, dùng nhiều lần…).

   - Thuốc hiệu quả thấp, ít tạo niềm tin nơi người bệnh.

   - Hệ thống y tế phức tạp, thiếu liên kết, không chia sẻ trách nhiệm.

   - Khó khăn trong cung cấp thuốc.

   - Không đủ năng lực về thể chất, tinh thần hoặc kinh tế thực hiện các chỉ định điều trị.

   - Thiếu hỗ trợ từ xã hội.

- Để khắc phục các yếu tố trên, các nhân viên chăm sóc y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình cần liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng để thực hiện tư vấn giáo dục và kiểm tra tuân thủ điều trị của người bệnh.

Hình thức sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh có thể là 1 giải pháp tốt giúp khắc phục các khó khăn kể trên. Sinh hoạt câu lạc bộ trực tiếp là cơ hội quý báu để bệnh nhân có thể trình bày những thắc mắc cũng như cơ hội để Bác sĩ hướng dẫn tận tình những kỹ năng cần thiết cho bệnh nhân điều trị " Hen và Copd "

Khoa Nội Tổng Hợp - Đơn Vị Hô Hấp 

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức