HỒI PHỤC NGOẠN MỤC SAU NGƯNG TIM DO ĐIỆN GIẬT BẰNG PHƯƠNG PHÁP HẠ THÂN NHIỆT TẠI BỆNH VIỆN ĐKKV THỦ ĐỨC

Bởi supadmin -24-06-2024

Giới thiệu

      Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Tỷ lệ sống sót ở người bệnh sau ngừng tuần hoàn còn thấp, thêm vào đó sau ngừng tuần hoàn sẽ để lại di chứng nặng nề như: tổn thương tim, thận, các phản ứng viêm có hại khác…  và đặc biệt tổn thương não là nguyên nhân gây tử vong cao nhất sau ngưng tim (1)

      Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy (hay hạ thân nhiệt chủ động) là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt xuống mức 32-36°C và duy trì nhiệt độ này trong 24 giờ giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để chống viêm/phù não, bảo vệ não, sau 24 giờ nhiệt độ cơ thể sẽ được đưa về mức nhiệt độ cơ thể bình thường. Việc hạ thân nhiệt kịp thời sẽ ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương não, từ đó giúp người bệnh có nhiều cơ hội hồi phục hơn, mang lại kết quả điều trị tốt, đồng thời hạn chế tối đa di chứng thần kinh (2).

      Việc sử dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đã được đưa vào khuyến cáo và áp dụng từ lâu trên thế giới (3), tại Việt Nam cũng đã có nhiều bệnh viện triển khai thành công phương pháp này trong đó có bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, góp phần cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ngưng tim.

Một trường hợp lâm sàng

      Bệnh nhân nam 49 tuổi nhập viện BVĐK Khu Vực Thủ Đức trong tình trạng tím tái sau khi bị điện giật. Tại khoa cấp cứu bệnh nhân được xác định ngưng tim ngưng thở trước nhập viện do điện giật và nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi. Sau khoảng 15 phút hồi sức, bệnh nhân có tim đập trở lại nhưng vẫn trong tình trạng lơ mơ, hôn mê phải thở máy.

      Tại khoa ICU, ekip bác sĩ trực khi tiếp nhận người bệnh đã nhận định đây là 1 trường hợp nặng với bệnh cảnh ngưng tim do điện giật có nguy cơ để lại di chứng tổn thương não rất cao nên ekip quyết định triển khai ngay phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy cho bệnh nhân. Bệnh nhân được điều trị thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm và nhanh chóng hạ thân nhiệt về mức 33 độ C duy trì trong 24 giờ. Sau đó, bệnh nhân được làm ấm trở lại về nhiệt độ cơ thể bình thường, tri giác bệnh nhân dần hồi phục, huyết động ổn định, bệnh nhân được cai máy thở, rút ống nội khí quản sau 48 giờ và chuyển khoa nội tim mạch tiếp tục theo dõi trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, vận động tốt.

Bệnh nhân đang được thở máy + hạ thân nhiệt chỉ huy tại khoa ICU bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức

Sau 48h được điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống nội

Lời kết

 Hạ thân nhiệt là kĩ thuật cao, chuyên sâu nhưng đã được thực hiện thường quy tại BVĐK KV Thủ Đức áp dụng cho người bệnh trong tình trạng tổn thương não sau ngưng tim ngưng thở. Nhằm đem lại hiệu quả chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế tại khoa ICU nói riêng và nhân viên y tế tại BVĐK KV Thủ Đức nói chung luôn luôn cập nhật, áp dụng và triển khai thành thục các kỹ thuật mới trong khám bệnh, chữa bệnh nhằm phục vụ và đem lại lợi ích to lớn nhất cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo

(1) Laver, S., et al. (2004). Intensive care medicine.

(2) Bernard, S. A, et al. (2002). The New England journal of medicine

(3) Nolan, J.P., et al. (2021). Intensive Care Med. 

 BS. Lê Minh Trí - Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức