Nhồi máu cơ tim là gì?

Bởi supadmin -11-03-2020
Nhồi máu cơ tim là gì? Nguyên nhân và triệu chứng? " Biện Pháp Điều Trị "

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

- Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý về tim mạch.

- Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu mang oxy và chất dinh dưỡng trong lòng động mạch vành đến các tế bào cơ tim đột ngột bị chặn lại hoàn toàn, do cục máu đông mới được hình thành tại chỗ trong lòng mạch, trên nền của mảng xơ vữa có sẵn trước đó. Điều này làm cho máu không chảy đến nuôi phần cơ tim bên dưới và làm cho một phần cơ tim đó bị chết đi, nếu tình trạng hoại tử cơ tim quá lớn có thể gây ra ngừng tim hoặc các rối loạn nhịp chết người.

- Đây là một tình trạng bệnh lí cấp cứu, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời, dù vậy vẫn có khoảng 30% người bệnh tử vong trước nhập viện, những trường hợp sống sót thì có sẽ có nguy cơ cao bị suy tim trong tương lai.

2. Nguyên nhân nào gây bệnh nhồi máu cơ tim?

- Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch

- Cơ chế gây ra tình trạng bệnh này là thường do mảng xơ vữa - tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào - bị bong ra, làm lộ ra lớp thành mạch máu bị tổn thương, từ đó các tiểu cầu lưu thông trong máu sẽ  kết tập lại ngay chỗ thành mạch bị thương đó và tạo nên cục máu đông, gây bít tắc hoàn toàn lòng mạch máu. Tùy theo vị trí mạch máu bị tắc mà gây ra mức độ tổn thương cơ tim khác nhau. Khi lòng mạch bị bít tắc hoàn toàn dẫn đến vùng cơ tim phía hạ lưu không còn được đưa máu đến nuôi, hậu quả gây hoại tử và chết vùng cơ tim đó gây nên bệnh lí nhồi máu cơ tim.  

3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim:

  • Nam giới, lớn tuổi.
  • Tiền căn đau thắt ngực, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm.
  • Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Rối loạn chuyển hoá.
  • Rối loạn lipid máu: Tăng cholesterol, tăng triglycerid máu.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Bệnh thận mạn .
  • Thừa cân, béo phì .
  • Hút thuốc lá.
  • Người ít vận động.
  • Sử dụng các thuốc như cocaine và amphetamine.
  • Có bệnh sử về tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ. 

4. Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Những triệu chứng thường gặp của bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm: Đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến đau nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau kéo dài trên 20 phút, có thể kéo dài hàng giờ. Ngoài cơn đau điển hình, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng:   

      - Vã mồ hôi, lo lắng, hoảng sợ

      - Buồn nôn, nôn

      - Tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp

      - Tay chân lạnh, ẩm.

      - Ngất, Đột tử

      - Một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực. Do đó có thể nhồi máu cơ tim sẽ bị bỏ sót.

5. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Khi bệnh nhân đến bệnh viện với các triệu chứng nghi ngờ nhồi máu cơ tim, ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định chẩn đoán bệnh:

  • Đo điện tâm đồ thường quy.
  • Siêu âm tim màu.
  • Chụp Xquang ngực.
  • Xét nghiệm máu tìm các dấu hiệu của hoại tử cơ tim như men tim.
  • Chụp MSCT động mạch vành.
  • Chụp động mạch vành bằng máy chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA).

6. Các biện pháp điều trị

Nhồi máu cơ tim cần được điều trị ngay lập tức, vì vậy hầu hết các trường hợp đều được điều trị ở phòng cấp cứu.

Thủ thuật can thiệp mạch vành nhằm để làm thông động mạch, giúp cung cấp máu cho tim

Can thiệp mạch vành : được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa can thiệp tim mạch..Sau khi gây tê tại chỗ (cổ tay, đùi), Thông qua hệ thống ống dẫn được luồn tại đùi hoặc cổ tay theo mạch máu về hướng về tim. Dựa vào hình ảnh thu được trên màn hình chụp của máy chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA), các bác sĩ xác định được vị trí mạch máu bị tắc đồng thời thực hiện đặt giá đỡ bằng kim loại (stent) vào mạch máu bị tắc giúp dòng máu lưu thông trở lại bình thường trong động mạch vành giúp tưới máu nuôi sống cơ tim.

Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành bằng cách nối tĩnh mạch và động mạch sao cho máu lưu thông vòng quanh qua chỗ tắc.

Cho dù điều trị bằng phương pháp nào, sau cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân đều được sử dụng nhiều loại thuốc hỗ trợ và ngăn ngừa cơn nhồi máu tái phát. Người  bệnh cần theo dõi kiểm tra sức khỏe thường xuyên và uống đủ thuốc theo toa bác sĩ để duy trì tình trạng điều trị bệnh tối ưu và phòng ngừa suy tim sau nhồi máu cơ tim.

7. Biện pháp dự phòng bệnh

Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về căn nguyên gây bệnh để có hướng phòng tránh tốt nhất cho bản thân và gia đình. Trước hết, ngay từ khi chưa mắc bệnh đã cần chú ý đến chế độ ăn uống và luyện tập thể dục để phòng bệnh nói chung và phòng ngừa bệnh tim mạch nói riêng. Thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm tỷ lệ mắc nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim và mạch vành.

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

- Dinh dưỡng: Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, thịt nạc. Nên giảm các thực phẩm trong chế độ ăn, bao gồm đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, giàu cholesterol.

- Tập thể dục nhiều lần trong tuần sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch Nếu đã bị nhồi máu cơ tim, nên trao đổi với bác sĩ trước để được tư vấn một chế độ luyện tập vừa sức và mang lại hiệu quả.

- Ngưng hút thuốc lá là yếu tố rất quan trọng, vì sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cơn đau tim và cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp. Cần tránh môi trường khiến bạn phải hút thuốc lá thụ động.

- Đối với bệnh nhân đã mắc bệnh và đã can thiệp thay đổi lối sống tối ưu nhưng vẫn chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ, nên tuân thủ điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

BS CKI.Trần Nhân Nghĩa

Khoa Nội Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức