Những điều cần biết về chạy thận nhân tạo

Bởi supadmin -05-09-2023
Thận khỏe mạnh làm sạch máu và loại bỏ chất lỏng dư thừa dưới dạng nước tiểu đồng thời tạo ra các chất giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Chạy thận nhân tạo thay thế một số chức năng này khi thận không còn hoạt động. Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ năm 2009, hàng năm chúng tôi tiến hành trên 10.000 lần chạy thận nhân tạo đã góp phần làm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh . Với phương châm “nâng cao chất lượng lọc máu” chúng tôi luôn cập nhật nâng cao trình độ chuyên môn và không ngừng ứng dụng những phương pháp mới vào quá trình điều trị xứng đáng là điểm đến tin cậy của người bệnh.

Khi nào cần chạy thận nhân tạo ?

      Người bệnh cần được chạy thận nhân tạo khi thận không còn khả năng loại bỏ hoàn toàn  chất thải và nước dư thừa để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Điều này thường xảy ra khi chức năng thận chỉ còn 10 đến 15 phần trăm và kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn, phù và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có những triệu chứng này, cơ thể người bệnh vẫn ứ đọng một lượng chất độc cao. Ngoài ra chạy thận nhân tạo còn được sử dụng trong điều trị suy thận cấp,ngộ độc,quá liều thuốc,…

Bác sĩ chuyên khoa thận sẽ đánh giá khi nào nên bắt đầu chạy thận nhân tạo.

Chạy thận nhân tạo hoạt động như thế nào?

      Chạy thận nhân tạo là một kỹ thuật dùng máy lọc máu và bộ lọc để làm sạch máu của người bệnh. Bác sĩ sẽ tạo một thông nối động tĩnh mạch ở cánh tay, hoặc cẳng tay. Máu của người bệnh  được rút ra và đưa vào hệ thống lọc máu làm sạch. Sau đó máu  được đưa trở lại cơ thể qua thông nối động tĩnh mạch này.

Máy lọc máu làm sạch máu như thế nào?

      Máy lọc máu, hoặc bộ lọc, có hai phần, một phần dành cho máu của người bệnh và một phần dành cho dịch thẩm tách, được ngăn cách bằng một màng mỏng . Màng này có thể lọc các chất thải như là ure, creatinine , kali, nước và giữ lại các tế bào máu, đạm và 1 số chất quan trọng khác.

Chạy thận nhân tạo ở đâu?

      Chạy thận nhân tạo có thể được thực hiện tại bệnh viện hoặc tại nhà. Người bệnh và bác sĩ sẽ quyết định nơi nào là tốt nhất, dựa trên tình trạng bệnh lý và mong muốn của người bệnh.

Có thể chạy thận nhân tạo tại nhà không?

      Bệnh nhân có thể tự thực hiện kỹ thuật điều trị chạy thận nhân tạo tại nhà với loại máy chuyên biệt. Việc này sẽ giúp cho người bệnh không bị lây nhiễm viêm gan ở các trung tâm  chạy thận nhân tạo, sắp xếp thời gian tốt hơn, cải thiện sức khoẻ tốt hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam việc chạy thận nhân tạo tại nhà còn hạn chế.

Mỗi lần chạy thận nhân tạo sẽ kéo dài bao lâu?

      Tại bệnh  viện, chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 4 giờ. Những người chạy thận nhân tạo tại nhà có thể chạy thận thường xuyên hơn, 4-7 lần mỗi tuần với thời gian mỗi lần ngắn hơn.

      Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần điều trị bao nhiêu lần trong tuần. Việc chạy thận nhân tạo đúng liều lượng sẽ cải thiện sức khỏe của người bệnh, hạn chế thời gian nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hàng tháng, người bệnh được theo dõi các chỉ số giảm ure(URR) hoặc Kt/V để đánh giá hiệu quả lọc máu.

Có cần ăn một chế độ ăn kiêng đặc biệt không?

      Chạy thận nhân tạo không thể loại bỏ hết các chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu như quả thận bình thường. Do đó người bệnh cần hạn chế chất lỏng và thay đổi lượng thức ăn nhất định trong chế độ ăn uống hàng ngày. Cụ thể người chạy  thận  nên tăng lượng protein và hạn chế lượng kali, phốt pho, natri và chất lỏng. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng sức khỏe khác có thể có thêm các hạn chế về chế độ ăn uống liên quan đến các bệnh đó.

Chạy thận có thể chữa khỏi bệnh thận không?

      Trong một số trường hợp suy thận đột ngột hoặc cấp tính, có thể chỉ cần chạy thận nhân tạo trong một thời gian ngắn cho đến khi thận phục hồi lại. Tuy nhiên, khi bệnh thận mãn tính tiến triển thành suy thận mạn theo thời gian, thận sẽ không phục hồi và sẽ cần chạy thận nhân tạo trong suốt quãng đời còn lại trừ khi được ghép thận.

Có khó chịu gì khi chạy thận nhân tạo không?

      Khi bắt đầu chạy thận nhân tạo, khi đâm kim vào lỗ rò hoặc mảnh ghép có thể gây đau. Hầu hết người bệnh sẽ quen với điều này theo thời gian. Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo như : tụt huyết áp,chuột rút, nôn và buồn nôn,đau đầu, đau ngực và đau lưng,ngứa, sốt và ớn lạnh. Các biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng cần cảnh giác là hội chứng mất cân bằng, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tắc khí...

      Người bệnh có thể hạn chế các biến chứng này bằng cách tuân theo chế độ ăn kiêng và lượng chất lỏng cho phép. Khi loại bỏ quá nhiều chất lỏng trong quá trình chạy thận nhân tạo có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu trong quá trình điều trị.

Chi phí chạy thận nhân tạo như thế nào?

      Chạy thận nhân tạo rất tốn kém. Tuy nhiên, BHYTchi trả 80% tổng chi phí chạy thận nhân tạo cho hầu hết bệnh nhân. Với tần suất chạy thận trung bình 3 lần/tuần và mức chi phí khoảng từ 100 triệu đồng mỗi năm. Đây là một gánh nặng cho người bệnh nếu không có BHYT. Việc chạy thận nhân tạo cũng gây mệt mỏi cho cả người bệnh và gia đình người bệnh.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có được đi du lịch không?

      Các trung tâm chạy thận được đặt ở mọi nơi và ở nhiều quốc gia khác. Trước khi đi du lịch, bạn phải đặt lịch hẹn điều trị lọc máu tại một trung tâm nơi bạn sẽ đến.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể tiếp tục làm việc?

      Nhiều bệnh nhân lọc máu tiếp tục làm việc hoặc trở lại làm việc sau khi họ đã quen với việc lọc máu. Nếu công việc đòi hỏi lao động chân tay nhiều (khuân vác nặng, đào đất, v.v.), có thể cần phải thay đổi công việc cho phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1.Oxford handbook of dialysis 4th edition / trang 71-194.

2.Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về Thận-Tiết niệu (Bộ y tế).

3.Các nguyên lý y học nội khoa Harison tập 3/ trang 562-611.

4.Vũ Đình Thắng và cộng sự (2013), Lọc máu liên tục.NXB y học tr. 214-224.

Bác sĩ Đặng Thị Liên - Khoa Nội thận tiết niệu 

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức