RÁCH CƠ CHÓP XOAY VAI

Bởi supadmin -11-09-2023
Rách cơ chóp xoay vai (rách cơ quay khớp vai) là tình trạng tổn thương khớp vai thường gặp ở độ tuổi trung niên, vận động viên, người chơi thể thao, người lao động chân tay… Nếu không điều trị sớm và đúng cách, chấn thương rách gân chóp xoay có thể dẫn đến hạn chế vận động của vai, lỏng khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp sớm…

I. Cấu tạo và chức năng của cơ chóp xoay vai

      Cơ chóp xoay vai (Rotator Cuff) là vùng được cơ Delta bao phủ bên ngoài, gồm có 4 cơ: cơ dưới vai ở phía trước, cơ trên gai ở trên, cơ dưới gai ở sau trên và cơ tròn bé ở sau. Các cơ này kết hợp với nhau tạo thành một vùng bao quanh chỏm xương cánh tay, chóp xoay bám từ xương bả vai tới chỏm xương cánh tay. Chúng hoạt động phối hợp nhịp nhàng để tạo nên các động tác xoay của chỏm xương cánh tay, giữ vững chòm nằm cân bằng trong ổ chảo.

 

 

      Mỗi cơ này là một phần của vòng bít quay và đóng một vai trò quan trọng:

  • Cơ dưới vai có tác dụng làm xoay trong cánh tay và giữ cho chỏm xương cánh tay ở vị trí trung tâm của ổ chảo mà không bị trật ra trước.
  • Cơ trên gai là thành phần quan trọng tham gia vào động tác dạng vai, ngoài ra còn có tác dụng như một miếng đệm hạn chế sự cọ xát giữa chỏm xương cánh tay và mỏm cùng vai.
  • Cơ dưới gai có tác dụng xoay ngoài cánh tay.
  • Cơ tròn bé chạy bám ở vị trí thấp nhất trong khối chóp xoay vào củ lớn. Cơ tròn bé cũng có tác dụng xoay ngoài cánh tay và định tâm chỏm.

    II. Định nghĩa rách chóp xoay:

      Rách cơ chóp xoay vai (Rotator Cuff Tear) là hiện tượng các cơ quay của khớp vai bị rách một phần hay toàn phần (đứt). Đây là bệnh lý phổ biến ở khớp vai. Giống như một cỗ máy đã vận hành trong thời gian quá lâu; dẫn tới tình trạng các sợi gân cơ chóp xoay ở vùng vai sẽ dần đi vào giai đoạn này sẽ bị mòn. Lúc đó, chóp xoay sẽ bị rách.

     Chấn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của của cơ quay khớp vai nhưng vị trí dễ xuất hiện các vết rách nhất là cơ trên gai.

III. Nguyên nhân

      Hiện tượng cơ chóp xoay bị rách là do nhiều yếu tố gây nên, trong đó có 2 nhóm nguyên nhân chính là: nội tại và bên ngoài.

1. Nhóm nguyên nhân bên trong

      Bao gồm những thay đổi liên quan đến yếu tố tuổi tác, về rối loạn chuyển hóa, thiếu máu nuôi dưỡng, giảm số lượng tế bào, mỏng bó sợi collagen, tích tụ mô hạt và vôi hóa. Những thay đổi này có thể dẫn đến “rách thoái hóa”.

2. Nhóm nguyên nhân bên ngoài

      Đến từ những chấn thương bao gồm các sang chấn cấp tính hoặc những vi chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Một số chấn thương đặc trưng có thể gây rách chóp xoay là:

      Sự mất vững của khớp ổ chảo – cánh tay (sau khi trật khớp vai nhiều lần dẫn đến rách thứ phát chóp xoay);

      Chấn thương cấp tính: ngã trong tư thế dạng tay;

      Một số vi chấn thương: sự lặp đi lặp lại của một động tác khớp vai nhiều lần (động tác quay tay, đưa tay quá đầu. Có thể thấy rõ nguyên nhân này ở những vận động viên bơi lội, cử tạ hay những người làm việc chân tay. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rách gân cơ trên vai.

      Bệnh lý chóp xoay gia tăng tỷ lệ thuận với tuổi tác, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Rất nhiều những vết rách li ti và không có triệu chứng được tìm thấy ở những người trong độ tuổi này. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, yếu tố nội tại là yếu tố cơ bản, yếu tố bên ngoài không đáng kể.

IV. Dấu hiệu rách cơ khớp quay vai

      Triệu chứng nổi bật khi bị rách chóp xoay là tình trạng đau vai, cụ thể:

  • Cơn đau mặt ngoài khớp vai lan xuống cánh tay nhưng không quá khuỷu, đau lan lên cổ và thường đau về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ.
  • Cơn đau khiến bệnh nhân không thể nằm nghiêng bên vai bị đau.
  • Mức độ đau vai càng nhiều thì khả năng chấn thương càng nặng.
  • Các động tác lặp đi lặp lại, mang vác nặng, đặc biệt là đưa tay lên quá đầu sẽ càng đau hơn.
  • Cảm nhận thấy tiếng lạo xạo dưới mỏm cùng vai khi vận động chỏm xương cánh tay.
  • Khớp vai và cánh tay không thể hoạt động trong phạm vi giới hạn bình thường. Thỉnh thoảng, một số bệnh nhân còn cảm thấy vùng khớp vai trở nên yếu hẳn đi, gây khó khăn khi thực hiện các động tác trong sinh hoạt hằng ngày của mình.
  • Khi nhận thấy các dấu hiệu trên, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh lý để có thể điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
  • Rách gân chóp xoay vai nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời: nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, chức năng của cơ chóp xoay có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, cụ thể như:

+ Có thể mất cử động vĩnh viễn hoặc yếu đi;

+ Có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp vai tiến triển;

+ Mặc dù việc nghỉ ngơi vai là cần thiết để phục hồi, nhưng việc giữ vai bất động trong thời gian dài có thể khiến mô liên kết bao quanh khớp trở nên dày và căng (vai bị đông cứng).

V. Chẩn đoán

      Để xác định tình trạng rách khớp quay vai cần có sự phối hợp của các triệu chứng lâm sàng và các chẩn đoán cận lâm sàng khác. (5)

1. Lâm sàng

Đây là phương pháp dựa trên nguyên tắc khám so sánh bên đối diện:

  • Khám tầm vận động khớp cả chủ động và thụ động các động tác: dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài, đưa cánh tay ra trước, ra sau và xoay tròn khớp vai;
  • Khám teo cơ: với những bệnh nhân rách rộng và lâu không điều trị;
  • Khám sức cơ: ghi lại sức cơ theo phân độ;
  • Thực hiện các nghiệm pháp khám tương ứng cho từng tổn thương chóp.

2. Cận lâm sàng

  • Chụp phim X-quang khớp vai ở 2 tư thế vai thẳng và vai nghiêng để phát hiện các triệu chứng thoái hóa, đồng thời xác định hình dạng mỏm cùng vai.
  • Siêu âm khớp vai: có ưu điểm giúp đánh giá được hình động khi vận động khớp vai, thêm nữa là dễ dàng so sánh tổn thương với vai đối diện. Phương thức này không xâm lấn, tiện dụng và chi phí hợp lý. Siêu âm có thể đánh giá được kích thước rách, độ co rút, chẩn đoán viêm gân chóp xoay hay viêm túi hoạt dịch dưới cơ delta.
  • Cộng hưởng từ khớp vai (MRI khớp vai) là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có độ nhạy và đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh lý chóp xoay lên đến >90%, đặc biệt khi tiêm thuốc cản quang.

        Hình 1: Rách gân cơ trên gai                 Hình 2: Rách gân cơ dưới gai

Hình ảnh Cộng hưởng từ khớp vai, vị trí rách chóp xoay (mũi tên màu đỏ)

  • Cắt lớp vi tính (CT) đạt hiệu quả ở những bệnh nhân gặp chấn thương rất lớn, có ảnh hưởng đến xương. Đây là kỹ thuật không thể thiếu, giúp đánh giá tình trạng xương nhằm mục đích thay khớp để điều trị bệnh lý.

VI. Biến chứng rách cơ quay khớp vai

      Rách cơ chóp xoay vai thường không thể tự hồi phục được, vị trí chấn thương sẽ ngày càng rách rộng thêm. Hậu quả là làm mất cân bằng “cặp đôi lực” và dẫn đến suy giảm chức năng của khớp vai, thậm chí có thể giả liệt. Khớp vai ngày càng mất vững gây ra hiện tượng chỏm xương cánh tay bị di trú lên trên (do cơ Delta kéo mà không có nút chặn) chạm vào mỏm cùng vai gây thoái hóa khớp vai.

VII. Các phương pháp điều trị rách/đứt rách gân khớp quay vai

      Việc lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật dựa vào nhiều yếu tố như: mức độ tổn thương; mong muốn về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân; nhu cầu vận động; tuổi tác; cơ địa cá nhân…

1. Điều trị bảo tồn

  • Phương pháp bao gồm: chườm lạnh; thay đổi thói quen hoạt động; lý liệu pháp tập trung phục hồi tầm vận động khớp vai; tiêm cortisone nhằm giảm đau và hỗ trợ vật lý trị liệu. Phương pháp này được chỉ định đối với một số trường hợp:
  • Khi không có tiền sử chấn thương rõ ràng, triệu chứng không rầm rộ, trên MRI có tổn thương rách nhỏ;
  • Với những bệnh nhân thể giả liệt hoặc hạn chế vận động quá nhiều cũng nên chỉ định điều trị nội khoa với các bài vật lý trị liệu để cải thiện sức cơ xung quanh và sự linh hoạt của khớp trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Tình trạng rách cơ chóp xoay lớn và rất lớn mà bệnh nhân chỉ có thể vận động ít hoặc bị chống chỉ định với phẫu thuật. Mục tiêu điều trị bảo tồn nhằm giảm đau và cải thiện được chức năng khớp càng nhiều càng tốt.

2. Phẫu thuật

  • Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phương pháp phẫu thuật nội soi được áp dụng điều trị đa số những tổn thương của chóp xoay. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, hồi phục nhanh, nguy cơ nhiễm trùng thấp, và đặc biệt là khắc phục được tình trạng teo cơ delta của phương pháp mổ mở truyền thống. Phương pháp này giúp điều trị dứt điểm các trường hợp:
  • Bị rách chóp xoay do chấn thương mà trước đó chức năng khớp vai bình thường;
  • Điều trị bảo tồn 3-6 tháng và không đáp ứng điều trị hoặc đáp ứng chậm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân;
  • Rách từ 3cm trở lên.

    Hình 1 : Rách gân chóp xoay (đường màu xanh, đen)                 Hình 2 : Gân cơ chóp xoay sau khâu

Hình ảnh: Phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay

VIII. Cách phòng ngừa rách gân chóp xoay

      Theo thời gian, các khớp vai sẽ dần bị lão hóa, nhưng việc thay đổi thói quen và tập luyện sẽ giúp giữ cho đôi vai khỏe mạnh và tránh gặp chấn thương.

1. Chú ý đến tư thế và cách tập luyện bả vai

      Do tính chất công việc, nhiều người bệnh thường dành cả ngày để cúi xuống thiết bị hoặc bàn phím. Hãy tập thói quen kéo bả vai ra sau, giãn cơ vai, điều chỉnh lại tư thế ngồi thẳng, tránh khom lưng. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện một số bài tập đơn giản tại nhà hoặc ở phòng tập cũng giúp tăng cường các cơ nở bả vai. Các bài tập luyện cần thực hiện đúng cách, phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và đúng tư thế.

2. Tránh xa nicotine

      Ai cũng biết hút thuốc lá và thuốc lá không khói có hại cho sức khỏe, đặc biệt là những bệnh về phổi và đường hô hấp. Nhưng bạn có biết rằng ngoài yếu tố lão hóa, hút thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến rách cơ chóp xoay? (3) Việc hút thuốc sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ vết rách không lành lại bất kể vết rách nhỏ đến mức nào. Vì vậy, hút thuốc không chỉ gây bệnh lý mà còn khiến việc điều trị khó khăn hơn.

3. Kiểm soát lượng cholesterol

      Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những người có cholesterol cao, tỷ lệ rách cơ chóp xoay vai cao hơn (4). Và cũng giống như tác hại của hút thuốc lá, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân có mức cholesterol cao hơn phải đối mặt với nguy cơ thất bại lớn hơn khi phẫu thuật nội soi. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện sẽ giúp kiểm soát ổn định lượng cholesterol.

4. Làm quen dần với các vận động nặng

      Chấn thương thường là hệ quả của những vận động quá sức. Nhưng nguyên nhân chính không nằm ở việc lặp đi lặp lại các vận động nặng mà ở việc tăng cường vận động quá sức một cách đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, việc tập thể dục rèn luyện sự dẻo dai sẽ giúp các gân cơ bắt kịp động lực và sẵn sàng cho các vận động nặng.

      Phẫu thuật nội soi khớp được triển khai thực hiện tại khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức từ năm trước năm 2002 cho đến nay và đạt được nhiều thành công lớn. Bệnh viện được trang bị những kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị máy móc hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như: máy chụp CT Scanner 128 dãy, máy cộng hưởng từ hạt nhân MRI 1.5 Tesla, Hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography viết tắt là DSA), máy nội soi công nghệ 3D độ phân giải cao, máy X-quang kĩ thuật số thế hệ mới,… Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình đã thực hiện thành công rất nhiều phẫu thuật để điều trị các bệnh lý, chấn thương xương khớp từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả chi phí phẫu thuật, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ phẫu thuật trong hầu hết các ca phẫu thuật từ phẫu thuật đặc biệt đến thủ thuật : Phẫu thuật thay khớp như : thay khớp háng, khớp gối, khớp vai,…;phẫu thuật nội soi khớp gối : Tái tạo dây chằng chéo trước - chéo sau, tổn thương đa dây chằng khớp gối, cắt lọc – khâu sụn chêm khớp gối; Phẫu thuật Nội soi khớp vai : Khâu sụn viền khớp vai, khâu chóp xoay vai, tạo hình mỏm cùng vai,...; Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân: cắt lọc, tái tạo dây chằng cổ chân…

      Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ xương khớp người bệnh sẽ được hội chẩn và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp nhất với thời gian hồi phục nhanh nhất.

BS CKII Đỗ Quang Sang - Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức