TĂNG HUYẾT ÁP GÁNH NẶNG SỨC KHỎE TOÀN CẦU

Bởi supadmin -10-06-2024

1. Khái niệm:

Huyết áp:

Là áp lực dòng máu (tống ra từ tim) tác động lên thành động mạch, gồm 2 chỉ số là huyết áp tâm thu (là áp lực thành mạch trong thời kỳ tim co bóp tống máu) và huyết áp tâm trương (là áp lực thành mạch trong thời kỳ tim thư giãn).

Huyết áp bình thường: khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 130 mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 85 mmHg (1)  

  • Tăng huyết áp: khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. 
  • Tăng huyết áp ‘áo choàng trắng’: là tình trạng huyết áp gia tăng khi được đo tại cơ sở y tế nhưng lại bình thường khi được đo ở nhà (với máy đo huyết áp điện tử và/hoặc máy đo huyết áp liên tục 24 giờ), chiếm khoảng 27% dân số tăng huyết áp (Việt nam) (1). 

2. Gánh nặng bệnh tật của tăng huyết áp:

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và rất nhiều trong các tử vong này có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp trên thế giới:

  • Tác động lên 33% người lớn (30 đến 79 tuổi),
  • 78% bệnh nhân tăng huyết áp thuộc các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình. 
  • Tác động lên nam giới (34%) nhỉnh hơn so với nữ giới (32%)

Tình hình tăng huyết áp được nhận biết (biết bản thân có tăng huyết áp), có tăng huyết áp được điều trị và được kiểm soát:

  • Trên thế giới: xem biểu đồ 1
  • Tại Việt Nam: tần suất tăng huyết áp gia tăng (từ 28,7% năm 2017 đến 33,8% vào năm 2019) và tình trạng tăng huyết áp chưa được kiểm soát với điều trị còn cao (48,8% theo thống kê năm 2019) (xem bảng 1)

3. Hậu quả:

 Xem biểu đồ 2

Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới năm 2023, sau 3 thập niên, tỉ lệ tử vong toàn cầu do bệnh tim mạch mà góp phần do tăng huyết áp đã gia tăng đáng kể.

4. Nguyên nhân - Các yếu tố nguy cơ

  • Nguyên nhân: chưa rõ.
  • Vai trò của gen di truyền: có, nhưng chưa rõ tác động cụ thể.
  • Tác động của môi trường sống: ô nhiễm, quá lạnh
  • Các yếu tố chính: chế độ ăn (nhiều muối natri, ít kali), tình trạng thừa cân/béo phì, uống nhiều rượu (đồ uống chứa cồn), hút thuốc lá, ít vận động thể lực.

5. Chẩn đoán

  • Đa số THA không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được đo, hầu hết mọi người đều không biết mình bị THA cho đến khi có biểu hiện của các biến chứng gây ra do THA (như yếu liệt do đột quị, cơn đau thắt ngực do bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc do nhồi máu cơ tim, mệt khó thở hoặc phù do suy tim, bệnh thận ... )
  • 1 người sống càng lâu với tình trạng huyết áp cao mà không được chẩn đoán hoặc đã được chẩn đoán nhưng không được điều trị đầy đủ, dự hậu về sức khỏe ngày càng xấu.

Chẩn đoán sớm:

  • Nhằm giúp người bệnh có thể sống tốt với tình trạng tăng huyết áp, giảm thiểu biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
  • Với các phương tiện có thể chọn như máy đo huyết áp cơ (sử dụng ống nghe, tại cơ sở y tế), máy đo huyết áp điện tử (các loại máy có giá trị được khuyên dùng, có kiểm định máy định kỳ) và máy đo huyết áp liên tục (đo 24 giờ).
  • Cách đo huyết áp được hướng dẫn và chuẩn hóa (để được chẩn đoán đúng).

Chẩn đoán: tăng huyết áp được chẩn đoán qua ít nhất 2 - 3 lần thăm khám và mỗi lần khám được đo huyết áp 2 lần cách nhau 1 – 2 phút, khi

  • Huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc
  • Huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

Một khi được chẩn đoán có tăng huyết áp, bệnh nhân sẽ được tham vấn về việc thay đổi hoặc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống (lành mạnh), kiểm soát trọng lượng cơ thể, được tầm soát các yếu tố nguy cơ - các bệnh đồng mắc (tại cơ sở y tế) và được tham vấn/kê đơn thuốc điều trị.

6. Điều trị

  • Biện pháp không dùng thuốc: hiệu quả giúp kiểm soát tình trạng tăng hyết áp. Bao gồm chế độ ăn (giảm muối natri, tăng cường rau xanh và trái cây), cai hoặc không hút thuốc lá, cử rượu bia (đồ uống có cồn), kiểm soát cân nặng (tập luyện, vận động), tránh lối sống thụ động (ít hoặc không vận động).
  • Điều trị với thuốc hạ áp: có 5 nhóm thuốc hạ áp cơ bản. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ các ưu tiên lựa chọn dựa trên bệnh nền (chỉ định bắt buộc) và các chống chỉ định của thuốc.
  • Cần tuân thủ thuốc điều trị, theo dõi huyết áp ở nhà (sử dụng máy đo huyết áp điện tử) và tái khám tại các cơ sở y tế.

7. Kết luận:

  • Tăng huyết áp là phổ biến và là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho bệnh tật và tử vong.
  • Tăng huyết áp thường không gây triệu chứng, đa số không nhận biết; do vậy, cần tầm soát hoặc chẩn đoán sớm.
  • Chỉ có 1/5 bệnh nhân tăng huyết áp đạt được kiểm soát huyết áp với điều trị. Để cải thiện tình trạng này, bên cạnh điều chỉnh lối sống - chế độ ăn uống – tuân thủ thuốc, vai trò của theo dõi huyết áp tại nhà (máy đo huyết áp điện tử) là rất cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

1. Khuyến cáo của Phân hội Tăng huyết áp – Hội Tim mạch học Việt nam (VSH/VNHA) về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp năm 2022.

2. Global report on hypertension. The race againts a silent killer. WHO 2023.

BS.CKI Nguyễn Quỳnh Dao - Trưởng khoa Nội Tim Mạch

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức