VUI XUÂN ĐÓN TẾT CÙNG BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bởi supadmin -21-01-2025

 Những điều thay đổi trong sinh hoạt ngày Tết

      Một năm mới đã đến, trong không khí mát mẻ của những ngày đầu năm, tất cả chúng ta cùng nhau đón chào một cái Tết nữa lại về. Đây là thời điểm mọi người chúng ta cùng quây quần bên nhau sum họp gia đình sau một năm làm việc vất vả, là thời gian để gặp mặt bà con dòng họ, tổ chức những bữa ăn với những món ăn đặc biệt của ngày Tết. Ngoài ra, đây cũng là dịp mà các gia đình tổ chức những buổi tham quan, du lịch, hòa nhịp cùng các không gian lễ hội, đi viếng cảnh chùa hái lộc đầu năm,... Tất cả tạo nên một mùa xuân tràn ngập màu sắc của niềm vui và hạnh phúc tràn đầy. Bệnh nhân Đái tháo đường chúng ta cũng không nằm ngoài trong không khí hân hoan đó. Tuy nhiên, vì là mùa của lễ hội vui chơi, nếp sinh hoạt thường ngày của chúng ta sẽ có nhiều sự thay đổi, và những sự thay đổi đó nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, nguy cơ rất cao xảy ra biến chứng cấp trên bệnh nhân Đái tháo đường phải nhập viện cấp cứu trong những ngày Tết và đó là một điều không ai mong muốn.

Hình 1: Ngày Tết là thời gian sum họp gia đình (nguồn: hotovietnam.org)

Một số thay đổi trong sinh hoạt ngày Tết mà bệnh nhân Đái tháo đường cần lưu ý:

1. Vấn đề ăn uống:

      Trong những ngày Tết, việc ăn uống sẽ thay đổi, những món ăn đặc biệt trong ngày Tết sẽ được sử dụng nhiều hơn, có thể kể đến bánh chưng, bánh dày, củ kiệu, dưa hành, các loại bánh kẹo, mứt hoa quả,... các món ăn này đều có chỉ số đường huyết cao khiến cho đường huyết của bệnh nhân tăng rất cao và rất nhanh, gây ra biến chứng tăng đường huyết như tăng áp lực thẩm thấu máu hay nhiễm toan ceton nếu sử dụng quá nhiều và mất kiểm soát.

      Một vấn đề khác trong ăn uống ngày Tết là việc sử dụng bia rượu có chiều hướng gia tăng. Sử dụng rượu nhiều nhưng không ăn uống sẽ tăng nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt triệu chứng say xỉn và hạ đường huyết gần giống nhau nên sẽ khó nhận biết để xử trí kịp thời.

2. Vấn đề giờ giấc sinh hoạt:

      Giờ giấc sinh hoạt của mọi người sẽ thay đổi trong những ngày Tết. Vì là những ngày nghỉ nên chúng ta có thể đi du lịch, đi chơi xa nhiều, múi giờ thay đổi sẽ gây ra đảo lộn giờ giấc sinh hoạt, hoặc là chúng ta sẽ thức khuya nhiều hơn để đón giao thừa, ăn uống liên hoan sum họp đến quá nửa đêm. Vì sự thay đổi giờ giấc nên một số hoạt động thể dục thể thao thường ngày cũng sẽ không được đảm bảo thực hiện thường xuyên. Nếu không điều chỉnh tốt sẽ tạo ra các stress không đáng có, gây rối loạn đường huyết và sức khỏe không đảm bảo để đón Tết trọn vẹn.

3. Vấn đề bệnh tật:

      Bệnh nhân Đái tháo đường chúng ta rất dễ mắc các bệnh lý cấp tính về đường hô hấp, đường tiêu hóa, hoặc tần suất chấn thương té ngã tăng lên, ... và diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn so với người bình thường. Vì vậy, chúng ta nên có sự chuẩn bị kĩ lưỡng khi đi ra đường khi thời tiết thay đổi, chuẩn bị sẵn thuốc men điều trị định kỳ đầy đủ để dùng đúng đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi đường huyết, huyết áp, đặc biệt khi có vấn đề bất thường trong cơ thể.

Một số bệnh lý thường gặp trong ngày Tết

      Mùa lễ, Tết thường là thời điểm bệnh nhân đái tháo đường dễ gặp phải các bệnh lý cấp tính do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống không điều độ và ít vận động.

1. Tăng đường huyết

Nguyên nhân

      Thường do tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu đường và tinh bột (bánh chưng, bánh tét, mứt, nước ngọt), sử dụng rượu bia, hoặc quên uống thuốc và tiêm insulin đúng liều. Căng thẳng tâm lý trong dịp Tết hoặc thiếu vận động cũng có thể góp phần làm tăng đường huyết.

Triệu chứng

  • Khát nước nhiều, khô miệng.
  • Tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm.
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
  • Nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến hôn mê tăng đường huyết.

Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện

  • Thở nhanh, hơi thở có mùi ceton.
  • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Mất ý thức, lơ mơ hoặc rối loạn tri giác.

2. Hạ đường huyết

Nguyên nhân

      Thời gian sinh hoạt vui chơi thay đổi trong ngày Tết nên bệnh nhân bỏ bữa, uống rượu bia khi bụng đói, hoặc dùng quá liều insulin và thuốc điều trị đái tháo đường.

Triệu chứng

  • Run rẩy, đói cồn cào.
  • Đổ mồ hôi, tim đập nhanh.
  • Lơ mơ, chóng mặt.
  • Nếu nặng, có thể dẫn đến co giật hoặc hôn mê.

Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện

  • Mất ý thức.
  • Không đáp ứng với việc bổ sung đường qua đường miệng.

3. Nhiễm trùng cấp tính

Nguyên nhân

      Bệnh nhân đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm nên dễ mắc phải tình trạng nhiễm trùng nặng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, vệ sinh cá nhân không đảm bảo, đi ra ngoài dễ vấp phải vật nhọn hoặc tiếp xúc với thực phẩm, nước uống không an toàn và phải ăn uống nhiều hơn ngày thường.

Các loại nhiễm trùng thường gặp

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Do ăn thực phẩm không hợp vệ sinh, tích trữ lâu ngày, ôi thiu hoặc uống nước không đảm bảo. Triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, hoặc sốt.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Tiểu đau, tiểu buốt, tiểu mủ.
  • Nhiễm trùng da: Vết thương lâu lành, sưng đỏ, mưng mủ.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Ho, sốt, khó thở.

Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện

  • Sốt cao liên tục không hạ.
  • Khó thở, tím tái.
  • Vết thương sưng tấy, có mùi hôi.
  • Tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước nghiêm trọng.

4. Bệnh lý tim mạch cấp cứu: tăng huyết áp cấp cứu, nhồi máu cơ tim...

Nguyên nhân

      Thay đổi thói quen sinh hoạt trong mùa Tết như ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol, sử dụng rượu bia, căng thẳng tâm lý hoặc bỏ qua việc kiểm soát huyết áp và đường huyết. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ co thắt mạch máu.

Triệu chứng

  • Đau ngực, tức ngực.
  • Khó thở, hoa mắt, chóng mặt.
  • Tim đập nhanh, không đều.

Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện

  • Đau ngực dữ dội lan ra vai hoặc cánh tay.
  • Ngất xỉu hoặc bất tỉnh.

5. Đột quỵ và các biến chứng thần kinh cấp cứu

Nguyên nhân

      Tổn thương hệ thần kinh do kiểm soát đường huyết kém lâu dài, kết hợp với tác động của căng thẳng và thay đổi sinh hoạt trong ngày Tết.

Triệu chứng

  • Tê bì, đau nhói ở tay hoặc chân.
  • Yếu cơ, khó cử động tay hoặc chân.
  • Nếu nặng, có thể ảnh hưởng đến khả năng điều khiển cơ bắp hoặc mất cảm giác hoàn toàn.

Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện

  • Đau dữ dội hoặc mất khả năng di chuyển đột ngột.
  • Xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ: nói ngọng, mặt méo, liệt nửa người.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong ngày Tết

1. Duy trì thời gian ăn uống đều đặn

      Người bệnh đái tháo đường cần duy trì lịch ăn như những ngày bình thường để giúp đường huyết ổn định. Tránh bỏ bữa hoặc ăn dồn nhiều món trong một bữa, vì điều này có thể gây rối loạn đường huyết. Trong trường hợp không từ chối được món ăn, nên chọn lượng nhỏ nhất và đặc biệt là những món ít đường, ít năng lượng.

Cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa theo tỷ lệ:

1/2 khẩu phần là rau xanh và trái cây tươi.

1/4 khẩu phần là protein.

1/4 còn lại là tinh bột tự chọn, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt.

2. Ăn đủ chất bột đường

      Trong ngày Tết có rất nhiều lựa chọn ngoài cơm, còn có nhiều lựa chọn tinh bột như bánh chưng, xôi, miến, mì... Có thể thay thế các loại thực phẩm tương đương, chẳng hạn: 1 lưng bát cơm = 1/8 chiếc bánh chưng vừa = 1 bát miến = 1 bát mì = 1 bát ngô = lưng bát xôi.

3. Hạn chế các món nhiều dầu mỡ

      Mâm cỗ ngày Tết thường bao gồm nhiều món xào, chiên, rán, nướng dụng nhiều dầu mỡ. Những món như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò xào... đều dễ gây rối loạn mỡ máu, nguy cơ xơ vữa động mạch và đột quỵ.

4. Tránh thừa đạm (protein)

      Các món thịt, cá, giò, chả, lạp xưởng... thường xuất hiện nhiều trong mâm cỗ Tết. Người bệnh nên chọn đạm từ thủy hải sản, gia cầm, sau đó đến gia súc, và duy trì khẩu phần cân đối.

5. Hạn chế tích trữ và bảo quản thực phẩm sai cách

      Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Hiện nay, các chuỗi cung ứng thực phẩm và chợ chỉ nghỉ 1-2 ngày, nên có thể mua thực phẩm tươi ngon.

6. Hạn chế đồ ngọt

      Các món như mứt kẹo, nước ngọt, và quả sấy khô dễ làm tăng đường huyết. Người bệnh nên ăn ở mức tối thiểu theo hướng dẫn bác sĩ. Cụ thể, không nên tiêu thụ quá 30g đường tự do/ngày (tương đương khoảng 6 thìa cà phê...) dựa theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hình 2: Đồ ngọt nên được hạn chế (nguồn: foodcity.vn)

7. Uống đủ nước

Uống đủ nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Hãy mang theo chai nước bên mình để giảm cơn thèm ăn.

8. Bổ sung rau xanh và chất xơ

Trong mâm cỗ Tết thường thiếu rau xanh và trái cây, dùng rau trước để chất xơ và nước giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả.

9. Ăn nhạt

Duy trì thói quen ăn nhạt bằng cách giảm gia vị khi chế biến, hạn chế dùng dưa muối, cà muối và thực phẩm chế biến sẵn.

10. Hạn chế rượu bia

Rượu bia dễ gây nhầm lẫn giữa triệu chứng say và hạ đường huyết. Nếu uống, tuân thủ quy tắc:

Nam: Tối đa 2 đơn vị cồn/ngày.

Nữ: Tối đa 1 đơn vị cồn/ngày.

1 đơn vị cồn = 3/4 lon bia (330ml) hoặc 1 ly rượu vang hoặc 1 ly rượu mạnh (30ml).

Hình 3: Quy đổi đơn vị cồn (nguồn: suckhoecong.vn)

Du xuân an toàn - trọn vẹn niềm vui

1. Lập kế hoạch cho chuyến du lịch

Trước khi du lịch, bệnh nhân đái tháo đường cần:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: vào ngày tái khám định kỳ, bệnh nhân cần được bác sĩ đánh giá đủ sức khỏe để thực hiện chuyến du lịch, tư vấn điều chỉnh liều thuốc, tiêm ngừa vaccine (khi cần) và điều chỉnh chế độ ăn trong suốt hành trình.

Hình 4: Tham khảo ý kiến bác sĩ để được đánh giá tư vấn sức khỏe cho chuyến đi (nguồn: qmedcenter.com)

  • Mang theo đủ dược phẩm: chuẩn bị đủ lượng thuốc, kim tiêm insulin (nếu cần), và thiết bị đo đường huyết. Thuốc và dụng cụ y tế nên được xếp vào một túi riêng gọn gàng, dễ mang theo, và cất trong hành lý xách tay (trường hợp đi máy bay, có thể mang theo 100ml chất lỏng qua khu vực kiểm tra an ninh).
  • Tìm hiểu về điều kiện địa phương: theo dõi điều kiện thời tiết, thực phẩm, và địa chỉ liên lạc về y tế khi cần trợ giúp, sắp xếp lịch trình thoải mái, tránh lịch trình di chuyển quá gấp gáp hoặc quá dày đặc.

2. Trong quá trình di chuyển

Bảo quản thuốc đúng cách:

  • Tránh để thuốc và các thiết bị y tế ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh. Giữ thuốc và vật tư thử nghiệm trong một túi giữ nhiệt kèm túi gel làm mát. Nếu đang ở trên máy bay, không để insulin trong hành lý ký gửi - vì nhiệt độ ở khoang hành lý rất lạnh.

Vận động khi di chuyển:

  • Giữ chân linh hoạt, duỗi chân hoặc đi bộ xung quanh giữa các trạm nghỉ trên chuyến xe đường dài. Trên máy bay hoặc tàu hỏa, di chuyển lên xuống các lối đi mỗi giờ hoặc hai giờ để ngăn ngừa cục máu đông.

Giữ đường huyết ổn định:

  • Mang theo bữa ăn nhẹ nhàng như bánh ngũ cốc hoặc hoa quả khô.
  • Thường xuyên kiểm tra đường huyết và uống nước để tránh mất nước.

Đối phó với chênh lệch múi giờ:

  • Nếu đi du lịch xa, tham khảo bác sĩ về điều chỉnh liều trình insulin hoặc thuốc uống.
  • Duy trì giờ đo đường huyết theo múi giờ ở nơi địa điểm xuất phát thay vì giờ địa phương.

3. Chăm sóc sức khỏe khi đến nơi

 

Hình 5: Để có một chuyến đi vui khỏe, cần chuẩn bị một kế hoạch kĩ lưỡng (nguồn: adobe.com)

Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên:

  • Đo đường huyết thường xuyên để phát hiện kịp thời các biến động do thay đổi môi trường, chế độ ăn uống hoặc trong các hoạt động.

Tuân thủ lịch trình dùng thuốc:

  • Sử dụng báo thức hoặc nhắc nhở trên điện thoại để không quên thời gian uống thuốc hoặc tiêm insulin.

Theo dõi nhiệt độ tại điểm đến:

  • Nếu đi đến nơi có khí hậu nóng, hãy bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời, giữ mát và uống đủ nước để tránh mất nước. Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết.

Thích nghi dần với thực phẩm mới:

  • Có thể thưởng thức ẩm thực địa phương ở mức độ vừa phải. Không thử nghiệm quá nhiều món ăn lạ cùng lúc để tránh làm rối loạn tiêu hóa hoặc ảnh hưởng đến mức đường huyết.

Chăm sóc đôi chân:

  • Kiểm tra chân hàng ngày để phát hiện vết phồng rộp hoặc trầy xước.
  • Đi giày thoải mái, tránh đi chân trần, kể cả trên bãi biển, để phòng ngừa tổn thương và nhiễm trùng.

Chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp:

  • Mang theo danh sách liên hệ cần thiết như bác sĩ, người thân, cơ sở y tế.
  • Dùng vòng tay hoặc thẻ nhận dạng y tế ghi rõ bệnh và các thuốc đang sử dụng.
  • Nếu đi một mình, hãy thông báo cho nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên hoặc bạn đồng hành về tình trạng sức khỏe để họ hỗ trợ kịp thời khi cần.

Tài liệu tham khảo:

1. Viện dinh dưỡng quốc gia - Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Đái tháo đường dịp Tết.

2.U.S. Centers for disease control and prevention (CDC) - Tips for Traveling With Diabetes

3.American Diabetes Association (ADA) - Standards of care in Diabetes

4.Bộ Y Tế - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường type 2

Bs. Nguyễn Ngọc Ân - Khoa Nội tiết

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức